Thủ tướng Chính phủ: Nhiều điểm mới trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về nguồn lực đất đai
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) diễn ra trong hai ngày 21 và 22/7/2022.
Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, theo phân công của Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề giới thiệu về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách dân chủ và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" (Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị quyết, các cơ quan liên quan đã đặt hàng 12 cơ sở nghiên cứu trong nước, 3 tổ chức quốc tế, tổ chức 9 tọa đàm, 12 hội thảo, 3 hội nghị ở 3 miền Bắc, Trung Nam, lấy ý kiến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều cuộc làm việc với các đảng đoàn, ban cán sự đảng.
“Việc thảo luận tại Trung ương về dự thảo Nghị quyết rất sôi nổi với 209 thảo luận tại tổ, 15 ý kiến tại hội trường”- Thủ tướng thông tin thêm.
Thủ tướng chỉ rõ, căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được đưa ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bám sát các quan điểm chỉ đạo được xác định, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định 3 mục tiêu tổng quát và 6 mục tiêu cụ thể.
Theo đó về mục tiêu tổng quát, thứ nhất, về thể chế: Hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, về nguồn lực đất đai: Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Thứ ba, về thị trường: Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.
Liên quan đến các mục tiêu cụ thể, nghị quyết 18-NQ/TW nêu rõ, đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. (Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV).
Đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Đến năm 2030 hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian làm rõ nhiều điểm mới trong các quan điểm chỉ đạo được nêu trong Nghị quyết 18-NQ/TW.
Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điểm mới của Nghị quyết lần này là làm rõ hơn về vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và nội hàm, ý nghĩa của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời, đặt ra yêu cầu mới phải công khai, minh bạch và trách nhiệm phải giải trình trong thu hồi đất.
Đồng thời Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm: Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đây là nội dung có nhiều điểm mới, bổ sung, làm rõ việc quản lý về đất đai bao gồm cả diện tích và chất lượng; đồng thời, phân cấp rõ hơn giữa các cấp.
Nghị quyết cũng kế thừa quan điểm của Nghị quyết 19, trong đó tiếp tục khẳng định quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu và bổ sung thêm: Bên cạnh quyền sử dụng đất thì tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Điều này phù hợp với Luật Dân sự năm 2015 và đây là cơ sở để hoàn thiện các chế định về thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất và là nguyên tắc để giải quyết các vấn đề đất đai do lịch sử để lại.
Quan điểm thứ ba, Nghị quyết nêu rõ thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nội dung này của Nghị quyết là quan điểm mới, có tính khái quát cao, là định hướng lớn cho công tác hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, giá trị nguồn lực đất đai, đồng thời đặt ra quyết tâm lớn của toàn hệ thống chính trị là khắc phục cho được tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.
Về quan điểm thứ tư, Nghị quyết 18-NQ/TW nhấn mạnh quan điểm đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Nội dung này của Nghị quyết có nhiều điểm mới, đặt ra những yêu cầu về kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, vùng miền, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực. Đây là một định hướng lớn, với yêu cầu cao đối với công tác quy hoạch, sử dụng đất (yêu cầu mang tính đa chiều về cả không gian và thời gian).
Quan điểm thứ năm, Nghị quyết khẳng định: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Nội dung này của Nghị quyết kế thừa quan điểm của Nghị quyết 19 và bổ sung, làm rõ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, không chỉ ở việc tổ chức thực hiện, mà ngay từ khâu xây dựng chính sách, phát luật về đất đai và giám sát quá trình thực hiện. Đây là điểm mới trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị.
Đây cũng là điểm mới trong tổ chức thực hiện và điều này còn cho thấy tầm quan trọng của Nghị quyết cũng như của chính sách, pháp luật về đất đai đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quang Lộc