Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, về cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và quyết tâm xử lý các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, thời gian qua, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và nhiều dự án thua lỗ kéo dài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Trong đó, đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém, chuyển giao bắt buộc. Đã có phương án xử lý đối với 5/12 dự án và đang rất tích cực xây dựng phương án khả thi, hiệu quả nhất xử lý đối với 7/12 dự án còn lại và các dự án phát sinh khác. Bên cạnh đó, đã xử lý xong, đưa vào hoạt động các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1.

Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cơ cấu lại, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro, nâng cao năng lực tài chính, quản trị của các tổ chức tín dụng yếu kém và các doanh nghiệp, dự án thua lỗ kéo dài.

Từ các bài học kinh nghiệm vừa qua, cùng với sự ủng hộ của các cấp có thẩm quyền, của Quốc hội và nhân dân; Chính phủ sẽ quyết tâm xử lý hiệu quả vấn đề này - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Về các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy các thị trường này phát triển.

Đến nay, thị trường vốn đã cơ bản phát triển đầy đủ với các cấu phần thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Quy mô các thị trường này và thị trường bất động sản tăng mạnh - Thủ tướng nói.

Quy mô thị trường vốn trong 5 năm qua tăng với tốc độ bình quân 28,5%; đến cuối tháng 9/2022 đạt 111,3% GDP, gấp 3,9 lần năm 2015, trong đó quy mô thị trường cổ phiếu đạt 70,6%GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP, trong đó thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 24,8%GDP, trái phiếu doanh nghiệp đạt 15,9%GDP.

Theo báo cáo tháng 9/2022 của ADB, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến hết quý II/2022 của Trung Quốc là 36,8%GDP; Hàn Quốc là 86,6%GDP; Nhật Bản là 17,5%GDP; Singapore là 35,2%GDP; Thái Lan là 25,4%GDP; Malaysia là 55,1%GDP.…

Thị trường bất động sản có bước phát triển mạnh mẽ; giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 20% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường.

Tuy nhiên, thời gian gần đây các thị trường này tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; đa số các nhà đầu tư là nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế; một số ít doanh nghiệp vi phạm quy định trong phát hành trái phiếu. Thị trường bất động sản có cơ cấu chưa hợp lý, mặt bằng giá tăng cao và thanh khoản gặp khó khăn...

Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém; đồng thời có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ của các doanh nghiệp, đối tác tham gia thị trường. Rà soát, có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đầu tư, cung cấp dịch vụ.

Kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người yếu thế với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-de-xuat-quoc-hoi-sua-doi-phap-luat-ve-chung-khoan-225942.html