Chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bệ đỡ cho tăng trưởng

6 tháng đầu năm 2024, ngành Tài chính đã chủ động, sáng tạo tham mưu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực, hỗ trợ nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Tập trung hoàn thiện thể chế, điều hành thu - chi ngân sách

Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết 7/7/2024, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 1.057.560 tỷ đồng, bằng 62,17% dự toán, tăng 18,63% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 65,75% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 58,58% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 61,24% dự toán, thu từ dầu thô đạt 64,32% dự toán, giảm 6,79% so cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 70,21% dự toán, tăng 12,6% so cùng kỳ.

Thu ngân sách tăng phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế

Thu NSNN đạt khá là nhờ Bộ Tài chính đã quyết liệt, khẩn trương đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu, nhất là đối với các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài. Thu ngân sách tăng so với cùng kỳ phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế và nỗ lực của ngành Tài chính trong thực hiện miễn, giảm thuế, phí; trong đó, thu từ 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng cao.

Về chi NSNN, tính đến hết tháng 6/2024 ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 29% dự toán Quốc hội quyết định, giảm 8,8% (16,4 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 49,7% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 43,7% dự toán.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến hết tháng 6/2024, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 156,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,89 năm, lãi suất bình quân

2,33%/năm đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách tài chính, NSNN. Bộ Tài chính đã hoàn thành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 28/35 đề án, nhiệm vụ được giao. Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 10 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 44 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ngoài ra, đang tập trung rà soát hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN. Đồng thời kịp thời đề xuất, ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giãn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng

 Nhờ thu NSNN tăng, đã có dư địa triển khai các giải pháp về tài khóa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa

Nhờ thu NSNN tăng, đã có dư địa triển khai các giải pháp về tài khóa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính vừa điều hành đảm bảo thu - chi NSNN, vừa xây dựng, ban hành, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Trên cơ sở theo dõi sát tình hình thực tế và dự báo trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng (gồm: giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 92,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 92,56 nghìn tỷ đồng).

Trong đó đáng chú ý là chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (như đã áp dụng năm 2023) cho cả năm 2024, ước tính khoảng 49 nghìn tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024, với quy mô dự kiến khoảng 84 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, với quy mô dự kiến khoảng 8,56 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 01/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025) khoảng 100 tỷ đồng/năm; giảm 36 loại phí, lệ phí, áp dụng khoảng 700 tỷ đồng. Kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, trả lời phỏng vấn TBTCVN, nhiều đại biểu Quốc hội đã dành lời khen cho nỗ lực trong điều hành chính sách tài khóa của Bộ Tài chính. Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), nhờ nỗ lực của ngành Tài chính, bội chi NSNN được kéo giảm. Trong bối cảnh khó khăn, Bộ Tài chính đã đảm bảo nguồn thu, tăng thu NSNN, giảm bội chi ngân sách còn 3,5%GDP, kéo giảm nợ công, kiểm soát ở mức 37%GDP. Nhờ đó, đã có dư địa triển khai các giải pháp về tài khóa, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hết sức hiệu quả trong thời gian qua.

ÔNG MAI XUÂN THÀNH - TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ: Triển khai thực hiện tốt các chính sách, giải pháp về thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước do ngành Thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, vượt 15,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 29.692 tỷ đồng, bằng 64,5% so với dự toán, bằng 95,2% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 835.658 tỷ đồng, bằng 58% so với dự toán pháp lệnh, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 655.303 tỷ đồng, bằng 60,4% so với dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ.

Trước bối cảnh dự báo nhiều khó khăn, thách thức, Tổng cục Thuế đã kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ đọng.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu cho các cục thuế phù hợp với thực tế tại các địa bàn. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích tình hình thu tại từng địa bàn, từng khu vực thu, khoản thu, sắc thuế để tham mưu các giải pháp chỉ đạo thu kịp thời, trong đó lưu ý dự báo thu hàng tháng, quý sát thực tế phát sinh. Đối với những nguồn thu còn tiềm năng, những lĩnh vực, loại thuế còn thất thu cần rà soát, xác định để đề xuất giải pháp thu hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các địa phương cần đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện tốt các chính sách, giải pháp về thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ trong năm 2024. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ người nộp thuế vượt qua khó khăn, có thêm nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề tăng thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Tuấn Nguyễn (ghi)

ÔNG NGUYỄN VĂN CẨN - TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN: Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại

6 tháng đầu năm, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp và nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, ngành Hải quan đã đạt được kết quả tích cực trên các mặt công tác.

Nổi bật là tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại; thu ngân sách đạt 200.460 tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán được giao, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò chủ công của ngành Hải quan trên mặt trận chống buôn lậu, đặc biệt là vai trò trong đấu tranh với tội phạm ma túy…

6 tháng cuối năm, toàn ngành quán triệt, triển khai quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được Tổng cục Hải quan đề ra tại báo cáo kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2024.

Đối với nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, kết quả đạt được những tháng đầu năm là rất tích cực. Tuy nhiên, toàn ngành cần nỗ lực, phấn đấu để thu đạt và vượt chỉ tiêu dự toán cả năm. Đồng thời, tiếp tục nỗ lực cải thiện hơn nữa nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Để thực hiện cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số, các đơn vị chức năng của Tổng cục Hải quan sớm hoàn thành các văn bản hướng dẫn để các cục hải quan địa phương có liên quan triển khai. Song song với đó, ngành Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại để vừa đáp ứng yêu cầu thực hiện cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số, vừa góp phần tạo thuận lợi thương mại và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan… Hồng Vân (ghi)

ÔNG VŨ XUÂN BÁCH - TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC: Nhiều kết quả tích cực trong quản lý hàng dự trữ quốc gia

6 tháng đầu năm 2024, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã nỗ lực triển khai nhiệm vụ, bám sát chương trình, kế hoạch và đạt được những kết quả tích cực.

Những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm được đánh giá là khá nặng nề và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cán bộ, công chức ngành DTNN cần tập trung nghiên cứu, tham mưu, giải quyết những vấn đề, gồm: Tập trung xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các đề án năm 2024 đảm bảo chất lượng, tiến độ đã đề ra.

Toàn ngành DTNN tiếp tục thực hiện và hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch DTQG năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao; tập trung giải ngân dự toán được giao trong năm 2024.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN và các cục DTNN khu vực chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan, trình cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng và nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác; thực hiện quản lý chất lượng hàng DTQG theo quy định.

Các cục DTNN khu vực thực hiện hoàn thành chỉ tiêu mua nhập gạo DTQG kế hoạch năm 2024; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc xuất, cấp hàng DTQG cứu trợ, hỗ trợ các địa phương bảo đảm kịp thời, hiệu quả… Đức Minh (ghi)

BÀ VŨ THỊ CHÂN PHƯƠNG - CHỦ TỊCH ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC: Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 6 tháng đầu năm vẫn duy trì hoạt động ổn định, an toàn, minh bạch và thanh khoản cao. Tính đến ngày 28/6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, tăng 10,2%; HNX-Index đạt 237,59 điểm, tăng 2,8% so với cuối năm trước. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.066 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước, tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 24.598 tỷ đồng/phiên, tăng 39,9% so với năm trước.

Lũy kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tăng hơn 753 tài khoản, nâng số lượng tài khoản chứng khoán cuối tháng 6/2024 lên đến hơn 8 triệu tài khoản - mức cao nhất từ trước đến nay.

Kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2024 được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn, hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, trong bối cảnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục đề ra các giải pháp phát triển TTCK ổn định, an toàn, minh bạch, thanh khoản.

Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung rà soát Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực chứng khoán; hoàn thiện công tác soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch; triển khai ngay Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực, chủ động trao đổi, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế lớn và các thành viên thị trường để triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho TTCK phát triển bền vững, công khai, minh bạch, xử lý kịp thời, nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh với nguồn thông tin chính thống. Nâng cao chất lượng nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền. Duy Thái (ghi)

BÀ TRẦN THỊ HUỆ - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC KHO BẠC NHÀ NƯỚC: Kho bạc Nhà nước đảm bảo chi kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định

6 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.

Toàn hệ thống đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin, số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Trong công tác kiểm soát chi, KBNN đảm bảo chi NSNN kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách. Tính đến hết tháng 6/2024, KBNN đã thực hiện kiểm soát, thanh toán 484.035 tỷ đồng vốn chi thường xuyên, bằng 38,1% dự toán của ngân sách qua KBNN...

Đặc biệt, KBNN đã tái cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) hướng tới việc thực hiện, giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử. Với những nỗ lực đó, trong đợt khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN đợt 1/2024, KBNN đã nhận được kết quả mức độ hài lòng của khách hàng lên tới 99,91%, tăng 3,96% so với năm 2023 (95,85%).

Trong những tháng còn lại của năm, KBNN đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt ưu tiên việc tổ chức quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công; tiếp tục tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, toàn hệ thống tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ để đưa đến cho khách hàng nhiều thuận lợi nhất cũng như để tiến tới mục tiêu Kho bạc số. Vân Hà (ghi)

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-tai-khoa-mo-rong-hop-ly-be-do-cho-tang-truong-154953-154953.html