Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Sáng 21/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính. Điểm cầu Long An do Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa chủ trì.
Trong hơn 2 năm qua kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và đạt những kết quả tích cực, quan trọng; tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Tuy nhiên, hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước. Sau hơn 2 năm chống dịch đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn “hậu Covid-19” ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, khó dự đoán; xuất hiện các biến thể mới có khả năng lây lan mạnh hơn làm số ca nhiễm có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Cùng với đó là sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại khu vực phía Nam, Tây Nguyên; thường trực nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân,... dẫn đến nguy cơ “dịch chồng dịch”, nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
Thời gian tới, mô hình bệnh tật thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi; sự thay đổi về nhân khẩu học với tỷ lệ người cao tuổi tăng cao; toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân.
Xu hướng thị trường hóa, tư nhân hóa và xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng một hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Kinh tế phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, kỳ vọng nhiều hơn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, kịp thời.
Tại hội nghị, các đại biểu phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, có những vấn đề đang nổi cộm hiện nay như tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập; thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc.
Tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở một số địa phương không đạt tiến độ, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối do chưa bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở và các thói quen, hành vi sử dụng dịch vụ y tế của người dân;…
Từ các bài học kinh nghiệm thời gian qua, hội nghị đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ - Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong thời gian qua; đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y tế.
Ông yêu cầu ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Cán bộ, nhân viên y tế phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng vì tính mạng, sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân; tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật; làm việc phải thực chất, hiệu quả. Phát triển hệ thống y tế toàn diện, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19;.../.