Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Du lịch cần sáng tạo, đột phá

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng yêu cầu du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Đồng thời, du lịch là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023. Hội nghị được tổ chức trong không khí cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024; và cũng là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm (thường từ tháng 10 hằng năm đến tháng 3 năm sau).

Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những khó khăn, ngành du lịch cũng có không ít thời cơ và thuận lợi. Vấn đề là phải cùng nhau khai thác tốt nhất các cơ hội, nhận diện, hóa giải khó khăn, vượt qua thách thức.

Du lịch Việt Nam trong 10 tháng qua có khởi sắc hơn, đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt.

Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017); triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch (Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/05/2023); hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện".

Du lịch phục hồi có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2023, trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều thách thức, nhưng ngành du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả khả quan.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua; định hướng và các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua; định hướng và các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (hơn 9,998 triệu lượt), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Cùng với đó, du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng World Travel Awards năm 2023, nổi bật là giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á 2023" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023", tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng.

Trong thời gian tới, nhằm tranh thủ tốt các thời cơ, khắc phục các khó khăn, thách thức, tạo ra đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch, Bộ VHTT&DL đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó có việc nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm. Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu...

Xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu.

Sớm thực hiện điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất những năm tới theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp các doanh nghiệp du lịch giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay.

Bộ cũng đề xuất kéo dài thời gian nộp thuế VAT thêm 12 - 24 tháng, hoãn thời gian nộp tiền thuê đất. Xem xét, giảm lãi suất ngân hàng cho các khoản vay của doanh nghiệp du lịch theo nguyên tắc lãi suất cho vay không cao quá 3% so với lãi suất gửi. Nới lỏng quy định cho vay của các ngân hàng thương mại cho các khoản vay vốn lưu động. Gia hạn các khoản vay bị tác động trực tiếp bởi đại dịch COVID-19.

Cùng đó là xem xét, tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động kinh doanh du lịch trên đất nông nghiệp và đất trang trại. Mở rộng danh sách các thành phố thực hiện thí điểm phát triển kinh tế đêm. Sớm đề xuất thành lập Hội đồng nghề du lịch quốc gia và Ủy ban chứng nhận nghề du lịch quốc gia để triển khai thỏa thuận lẫn nhau trong nghề du lịch ASEAN, chuẩn hóa đội ngũ lao động, tạo điều kiện lao động ngành du lịch có nhiều cơ hội việc làm và nâng cao trình độ.

Bộ cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đêm, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững, du lịch MICE, du lịch gắn với công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo.

Đề xuất các chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch quốc tế; chính sách thuế đất phù hợp đối với các khu du lịch; chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng gắn với du lịch, khuyến khích hợp tác công - tư trong đầu tư và vận hành sân bay, bến cảng du lịch; các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các công viên chủ đề, công trình văn hóa, tổ hợp vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ...

Quay trở lại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, vừa mở cửa trở lại, du lịch lại bắt đầu tăng ào ào, tất cả tình trạng cũ của du lịch lại tái phát, ví dụ như chặt chém, tăng giá tùy tiện, chỗ đông chỗ ít, lộn xộn trong hoạt động du lịch.

Du lịch Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ. Ảnh: Hữu Long.

Du lịch Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ. Ảnh: Hữu Long.

Ông Bình nói: "Khi có dịch COVID-19 thì sự kết nối rất tuyệt vời. Chúng tôi liên kết giữa các loại hình du lịch lại với nhau, mở các thị trường. Thậm chí khi dịch COVID căng thẳng, chúng tôi vẫn tổ chức được hội nghị về lữ hành với 450 doanh nghiệp tham gia vào tháng 1/2021, sau đó tháng 4/2021 có hội 700 doanh nghiệp ở Ninh Bình để bàn vấn đề phát triển du lịch nội địa như thế nào. Lúc đó mọi người người chia sẻ kinh nghiệm, kết hợp với nhau, kết nối từng sản phẩm để tạo ra hướng phát triển. Ngay trong lúc COVID-19 nặng nề nhất, ngành du lịch vẫn tồn tại, ở nhiều tỉnh vẫn hoạt động được, tránh luồng COVID-19 thôi nhưng vẫn hoạt động".

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch hết COVID-19 thì những nỗ lực ấy, liên kết ấy hình như biến mất, lại quay trở lại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lại tăng giá, hạ giá và lộn xộn. Việc không triển khai khuyến mại kích cầu, giá tăng cao quá, không xây dựng được sản phẩm có tính cạnh tranh khiến khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước. Tình trạng này phải chấn chỉnh lại.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings thì nhận định, mặc dù ngành du lịch có những nỗ lực và kết quả nhất định trong năm 2023, nhưng đây cũng là giai đoạn đầy biến động, thách thức. Hàng không chưa có lợi nhuận; du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng. Những điểm đến quốc tế xinh đẹp như đảo ngọc Phú Quốc, như vịnh biển Nha Trang đẹp nhất thế giới, con đường di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng – Hội An, Kỳ quan Vịnh Hạ Long… cũng là mỗi nơi đang đóng băng vài chục ngàn phòng khách sạn, dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ.

Bà Thảo đề nghị tạo điều kiện để hàng không thu hút du khách nhanh nhất, ngay dịp tháng 12/2023 và đầu năm 2024, đưa du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam, đến tất cả các sân bay quốc tế: Phú Quóc, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vân Đồn, Hải Phòng, Huế,… bên cạnh TPHCM, Hà Nội. Trong nước phát động chương trình hành động quốc gia đẩy mạnh du lịch tới các sân bay, các điểm đến địa phương.

Bà Thảo đề xuất Chính phủ, các bộ tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa), hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách.

Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings rất mong Chính phủ tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch.

Về bất động sản nghỉ dưỡng đối với người nước ngoài, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Sun Group cho rằng, theo quy định hiện hành, người nước ngoài chỉ được mua nhà ở, chưa được mua các hình thức khác như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong khi nhu cầu thực tế là có. Trong khi các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan,… loại hình này đang phát triển khá mạnh mẽ, thu hút nguồn đầu tư khá ổn định.

Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản sẽ góp phần thu hút lượng khách lớn tới Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, giải trí. Từ đó, du khách quốc tế sẽ có thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần và mở ra những cơ hội đầu tư lớn. Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng mua bất động sản nghỉ dưỡng là người nước ngoài sẽ thu hút lượng ngoại tệ lớn.

Không thay đổi ngay hai điều này, doanh nghiệp du lịch có thể bị đóng cửa ngay

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) đề nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển du lịch.

Ông nói: 'Về Luật Du lịch, chúng ta phải xem xét lại một số điều của luật, trong đó có Điều 9, Điều 15 – hai điều về quản lý khách du lịch hiện nay đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch phát triển. Nếu chúng ta không thay đổi ngay hai điều về quản lý khách, tôi đảm bảo các doanh nghiệp du lịch, kể cả doanh nghiệp, tập đoàn du lịch lớn ngày mai có thể bị đóng cửa ngay. Các doanh nghiệp không ai muốn khách trốn ở nước ngoài, quản lý rất chặt chẽ, nhưng chúng ta không thể ở với khách cả ngày cả đêm được. Khách trốn chỉ là tai nạn. Chúng ta đánh giá rằng, quản lý tốt mà khách trốn thì phải xem xét. Hiện nay quy định rất chặt và quy định này gây ra khủng hoảng cho doanh nghiệp ngay lập tức".

Như Ngọc

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-dong/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-du-lich-can-sang-tao-dot-pha-c2a63609.html