Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp đã vượt 'cơn gió ngược', được mùa được giá
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đóng góp của toàn ngành Nông nghiệp trong thành tích chung của cả nước; nông nghiệp được mùa, được giá; đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, đồng bào càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Chiều 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính - trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thể hiện được vị trí, vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành Nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng.
Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; xuất siêu 28 tỷ USD, trong đó ngành Nông nghiệp đóng góp tới 12,7 tỷ USD. Có được con số này là nhờ các doanh nghiệp, người dân chủ động được nguyên liệu đầu vào, giảm nhập khẩu.
"Đặc biệt, trong bối cảnh an ninh lương thực khó khăn, Việt Nam đã chứng minh vị trí, vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu gạo tối đa, khuyến khích người dân tăng vụ để có thêm gạo phục vụ xuất khẩu" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả ngành Nông nghiệp đạt được trong năm 2023. "Ngành Nông nghiệp đã có một năm được mùa, được giá".
Năm 2023, Bộ NN&PTNT đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều đề án, chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành như: Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chính sách phát triển thủy sản…
Để có được điều đó, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành Nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế, từ chỗ lúng túng, bị động bất ngờ sang chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong điều hành để có kết quả cao nhất; chuyển từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công, từ đó tập trung vào một số ngành hàng có thế mạnh, giúp xuất khẩu rau quả, xuất khẩu gạo lập được kỷ lục mới. Ngành Nông nghiệp đã thể hiện được vị trí, vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần kìm chế lạm phát, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao việc Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện lớn trong năm 2023 như Festival lúa gạo, Festival tôm..., qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Đồng thời, đã chủ động đề xuất lãnh đạo Chính phủ làm việc với các hiệp hội, ngành hàng kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thúc đẩy tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; xây dựng nông dân trí thức, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến. Theo Thủ tướng, đó là những tư tưởng rất mới.
Ngành Nông nghiệp cần đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP từ 3,5 - 4,0%
Về các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 3,5 - 4,0%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị ngành Nông nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức "biến không thành có, biến khó thành dễ", bám sát phương châm chỉ đạo của Chính phủ với 16 chữ: Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng lưu ý, ngành Nông nghiệp phải có giải pháp cụ thể tháo gỡ những nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo ngành NN&PTNT phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để đầy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"...
Ngành phải đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, ngành NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan phải làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới; coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt...
Bộ NN&PTNT đã chủ động đề xuất lãnh đạo Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Trên cơ sở đề xuất của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 70%. Từ đó, Thủ tướng khẳng định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành nông nghiệp.