Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Tài chính đóng góp quan trọng vào thành tích chung của đất nước

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 của Bộ Tài chính sáng ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành Tài chính đã đạt được trong năm 2021, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của đất nước cũng như của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành Tài chính đã đạt được.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành Tài chính đã đạt được.

Đóng góp quan trọng vào thành tích chung của đất nước

Phân tích về bối cảnh của năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm qua có những cái chung của Đất nước, những cái khác và diễn biến mới của năm 2021. Bối cảnh đó có liên quan đến ngành Tài chính.

Theo Thủ tướng Chính phủ, cái chung là thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phải công khai minh bạch; thứ hai là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, làm theo pháp luật; thứ ba là xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật cạnh tranh lành mạnh, cung cầu; thứ tư là sau 35 năm đổi mới, có nhiều kinh nghiệm được tổng kết, học hỏi những bài học hay của thế giới. Việt Nam cũng đã từng bước xây dựng và hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, cốt lõi là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực phát triển kinh tế xã hội, không hy sinh môi trường, con người để phát triển kinh tế - xã hội đơn thuần. Đây là lý luận soi đường để thực hiện các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

"Những cái chung trên đều liên quan chặt chẽ đến ngành Tài chính. Do đó, ngành Tài chính cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Nói về cái khác của năm 2021, Thủ tướng cho biết, năm qua có Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; kiện toàn các chức danh của Nhà nước; triển khai 7 hội nghị quan trọng... do đó, ngành Tài chính phải tập trung nguồn lực, cân đối ngân sách cho các hoạt động này.

Diễn biến mới của năm 2021 là đại dịch COVID-19 khốc liệt, phức tạp hơn năm 2020 đã tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, cả nước đã đạt được "những kết quả quan trọng và thành tích to lớn" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá. Ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại đạt được thành tích quan trọng đặc biệt là đối ngoại vắc xin... Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Tài chính nhanh chóng trình Chính phủ thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19, đã thể hiện sức mạnh tổng hợp, đại đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái, nỗ lực vượt khó, đương đầu với thử thách của dân tộc Việt Nam. Thủ tướng chia sẻ: “Đêm hôm trước, tôi gọi điện cho đồng chí Bộ trưởng Tài chính, sáng hôm sau các đồng chí đã có tờ trình về Quỹ vắc xin phòng COVID-19, tôi đánh giá rất cao việc này”.

Trong năm qua, tình hình kinh tế – xã hội, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ ổn định, bội chi ngân sách thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao; các cân đối lớn được đảm bảo, thị trường lao động phục hồi nhanh, an sinh xã hội được đảm bảo. "Hơn 70 nghìn tỷ đồng cho hơn 43 triệu người là những con số biết nói cho thấy sự cố gắng của chúng ta, trong đó có Bộ Tài chính trong bối cảnh đất nước còn đối mặt với nhiều khó khăn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Sau khi làm chủ được vắc xin, tìm được thuốc đặc trị và kinh nghiệm đã có, Việt Nam đã chuyển nhanh sang trạng thái thích ứng an toàn, kiểm soát đại dịch. Nhờ đó, kinh tế đã phục hồi nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2,58% so với năm 2020. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong thành tích chung của cả nước có những đóng góp quan trọng của ngành Tài chính. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành Tài chính đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của đất nước cũng như của Chính phủ.

“Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo”

Nhận định năm 2022 có thời cơ thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn năm 2021, Thủ tướng yêu cầu, “cần xác định tư tưởng, khó khăn nhiều hơn để chuẩn bị tâm thế, nội lực, năng lượng xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả.”

Thủ tướng nêu những thách thức trong năm 2022 như: dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; lạm phát cao vẫn tiềm ẩn; vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp; giải ngân đầu tư công chậm; áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng; tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; nợ thuế có xu hướng tăng; cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm...

Do đó, ngành Tài chính phải cố gắng nỗ lực hơn nữa, đặc biệt trong việc tham mưu chiến lược liên quan đến chính sách tài chính, ngân sách nhà nước, dự báo để không bị động, bất ngờ. Bộ Tài chính cần nghiên cứu phân bổ thu, chi ngân sách cho hợp lý, nghiên cứu có tiêu chí khuyến khích thu ngân sách, phân bổ nguồn lực tài chính cho các địa phương chưa cân đối được thu chi cho công bằng...

Về nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh, chủ đề năm nay là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động, thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Thủ tướng giao Bộ Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào chương trình thực hiện năm 2022, căn cứ quan điểm, nhiệm vụ của Chính phủ để xây dựng quan điểm, nhiệm vụ của Ngành để triển khai thực hiện hiệu quả, khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Bộ Tài chính cần “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để điều chỉnh các công việc chưa dự báo hết, chủ động thích ứng. Nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược, không để bất ngờ về các vấn đề tài chính ngân sách như: xu hướng phát triển các thị trường, giá cả, thị trường xuất nhập khẩu...

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục lắng nghe ý kiến địa phương, các bộ, ngành đặc biệt là liên quan đến vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để hoàn thiện thể chế, linh hoạt theo thực tiễn. Đặc biệt, cần phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa và tiền tệ để chính sách này tác động nâng đỡ chính sách kia bởi “đây là hai chính sách hết sức quan trọng để điều hành kinh tế đất nước”.

Cùng với đó là triển khai các biện pháp tăng thu, giảm chi, thắt lưng buộc bụng ngay từ đầu; kiểm soát bội chi, quản lý nợ công đảm bảo các chỉ tiêu, cân đối theo tình hình. Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách tài khóa phải kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế, trên cơ sở khoa học, thống kê, cơ sở dữ liệu tốt để đi đúng hướng.

Ngành Tài chính cần quản lý hiệu quả tài sản công, tiếp tục tháo gỡ các nút thắt tromg quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả thị trường tài chính theo hướng bền vững; tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tận dụng thời cơ thuận lợi, đẩy nhanh thoái vốn đi cùng với chống tiêu cực, tránh thất thoát tài sản Nhà nước.

Đồng thời, quản lý thị trường đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả thị trường nhất là dịp lễ tết, phối hợp với chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính trong toàn Ngành; phối hợp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhất là dịp Tết sắp tới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Tài chính tiếp tục cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung đầu tư cho chuyển đổi số, điện tử hóa hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là trong vấn đề thu thuế... hướng tới thực hiện mục tiêu cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Chủ động hội nhập hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả tài chính đối ngoại, theo dõi thực hiện các FTA, phát huy mặt tích cực, đánh giá tác động để hạn chế mặt tiêu cực, tích cực tham gia hợp tác tài chính khu vực, nâng cao vị thế Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tài chính coi trọng công tác xây dựng đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, dựa vào đổi mới sáng tạo để phát triển ngành Tài chính, đóng góp vào xây dựng và phát triển đất nước. Ngành Tài chính cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, những thành quả qua các thế hệ để tiếp tục đổi mới, phát triển, bám sát thực tiễn, gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ.

Với những thành quả, truyền thống và kết quả đã đạt được trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng toàn ngành Tài chính sẽ có kết quả, thành tích năm 2022 cao hơn nhiều năm 2021. “Đó vừa mong muốn, vừa giao nhiệm vụ cho các đồng chí”, luôn xứng đáng 8 chữ vàng “Cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chuyen-dong-tai-chinh/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-nganh-tai-chinh-dong-gop-quan-trong-vao-thanh-tich-chung-cua-dat-nuoc-344182.html