Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong thực hiện Đề án 06

Ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các 'điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030' (gọi tắt là Đề án 06) và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan T.Ư.

 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì.

Mục tiêu tổng quát của Đề án 06 nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển KT-XH; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đây là nội dung quan trọng trong tổng thể chương trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Theo báo cáo, thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 đến từng bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, sau một năm thực hiện Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo giải quyết các điểm nghẽn Đề án 06, nhiều nội dung đã được tháo gỡ. Nhờ vậy, các cấp, ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tế.

Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các đơn vị đã đơn giản hóa 763/1.084 TTHC được giao; trong đó có 7/19 bộ, ngành đã thực hiện 100% phương án đơn giản hóa.

Tính đến hết tháng 4/2024, Cổng dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến; đến nay 15/22 bộ, ngành đã hoàn thành công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Hiện 63/63 tỉnh, TP đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Về nguồn lực triển khai Đề án 06, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vốn ngân sách T.Ư bố trí cho lĩnh vực công nghệ thông tin hơn 12 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1 lần so với giai đoạn 2016-2020...

Thảo luận tại hội nghị, ý kiến các đại biểu cho rằng, việc triển khai Đề án 06 còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa TTHC còn chậm so với yêu cầu, vẫn còn 317 TTHC cần tiếp tục sửa đổi, đơn giản hóa.

Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành việc kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tỷ lệ số hóa, tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn thấp...

Phần lớn các bộ, ngành, địa phương còn chậm trong việc triển khai định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... khiến việc định danh, xác thực cá nhân, tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn.

Việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng... gây thất thu thuế.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương, phục vụ phát triển KT-XH, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án 06 còn một số hạn chế liên quan đến thủ tục pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn thông tin, nguồn nhân lực... cần phải tập trung tháo gỡ ngay.

Các bộ, ngành, địa phương xác định rõ, mục tiêu xuyên suốt của Đề án 06 là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần “nói đi đôi với làm”, tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 06. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý dân cư; thống nhất phương án đơn giản hóa đối với số TTHC còn lại. Đồng thời rà soát, đánh giá, kiểm điểm tình hình triển khai các dịch vụ công thiết yếu, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

 Đồng chí Mai Sơn phát biểu chỉ đạo sau khi hội nghị trực tuyến kết thúc.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu chỉ đạo sau khi hội nghị trực tuyến kết thúc.

Tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Dữ liệu để trình Chính phủ; phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng các địa phương nâng cấp, hoàn thiện phần mềm dịch vụ công liên thông, phần mềm chuyên ngành. Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các địa phương triển khai nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở.

Bộ Tài chính nghiên cứu hồ sơ, trình Chính phủ quy định rõ đối tượng bắt buộc phải triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tránh thất thu thuế. Bộ Công Thương trình sửa đổi các luật liên quan đến hoạt động thương mại điện tử nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng... Các bộ, ngành căn cứ chức năng rà soát, hoàn thiện một số dự thảo nghị định liên thông điện tử còn lại theo Đề án 06...

Kết thúc hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, phát biểu chỉ đạo, đồng chí Mai Sơn khẳng định, Bắc Giang được Chính phủ đánh giá thực hiện tốt Đề án 06, tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số nhiệm vụ chưa bảo đảm. Từ đó, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thị xã, TP bám sát các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, đề ra các giải pháp, ưu tiên nguồn lực tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án này.

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bảo đảm các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả các nền tảng số và hạ tầng hệ thống thông tin giải quyết TTHC với hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.

Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu; khẩn trương hoàn thiện, làm sạch tài khoản cổng Dịch vụ công của tỉnh với tài khoản định danh điện tử để sử dụng duy nhất tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công sau ngày 1/7/2024.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, TP khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong năm nay...

Tin, ảnh: Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-tap-trung-thao-go-diem-nghen-trong-thuc-hien-de-an-06-143051.bbg