Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với dự báo thị trường
Sáng 29-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2022. Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan-Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Phùng Đức Tiến-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Tham dự tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2021 ngành Nông nghiệp có mức tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su). Thành lập mới 1.250 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 19.100 HTX nông nghiệp; thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp. Cả nước có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), bình quân đạt 17 tiêu chí/xã; có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn NTM và có thêm 3 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương); đã phân hạng và công nhận 5.320 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, tăng 1,66 lần so với năm 2020...
Tại Gia Lai, năm 2021, ngành Nông nghiệp cũng nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 31.986,6 tỷ đồng, đạt 100,33% kế hoạch, tăng 5,97% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng diện tích gieo trồng đạt 557.685 ha, đạt 101,32% kế hoạch, tăng 7.089 ha. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có khoảng 227.176 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn; hơn 32.719 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trong chăn nuôi, tổng đàn trâu 14.400 con; bò 434.170 con; heo 462.000 con; gia cầm 4 triệu con và nuôi trồng thủy sản khoảng 15.390 ha… Đến cuối năm, toàn tỉnh có 100/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 54,9% và 181 thôn làng đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến có thêm 82 sản phẩm mới được công nhận OCOP (3 sao và 4 sao), vượt 29 sản phẩm, đạt 155% so với kế hoạch…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021 cả nước đối diện với nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, người dân, Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế của ngành Nông nghiệp và PTNT là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có; chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động phụ thuộc vào thị trường, thời tiết; công tác dự báo thị trường, biến đổi khí hậu còn hạn chế. Ngành Nông nghiệp phát triển chưa bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu. Công nghệ sau thu hoạch chưa được chú trọng và thị trường xuất khẩu chưa đa dạng; một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế, quốc gia. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn…
Dự báo trong năm 2022 sẽ còn khó khăn hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành Nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo và chọn những vấn đề, nguồn lực cho tốt để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra. Nâng cao dự báo chiến lược một cách kịp thời để tổ chức thực hiện hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Bám sát tình hình thực tế để cụ thể hóa giải pháp và cần xác định trọng tâm trọng điểm, có lộ trình. Đa đang hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, xuất khẩu theo đường chính ngạch để nâng cao giá trị. Đồng thời, cũng cần phải chú trọng phát triển kinh tế biển bền vững; tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp, thống kê và kết nối thị trường; tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với dự báo thị trường, phát triển kinh tế xanh, trồng rừng và giảm khí thải metan. Ngành Nông nghiệp cần chú trọng phát tiển kinh tế vùng, phát triển chuỗi sản phẩm, liên kết quốc tế. Đặc biệt, làm sao phải nâng cao được đời sống, vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...