Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ
Ngày 19-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ để thông báo kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến giữa điểm cầu Văn phòng Chính phủ với các điểm cầu tại 57 xã, phường, thị trấn; 9 quận, huyện và Thành ủy thành phố Cần Thơ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ trực tuyến từ điểm cầu Chính phủ (Hà Nội). Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Tại buổi tiếp xúc cử tri, sau khi đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ thông báo kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tại kỳ họp này; cử tri thành phố Cần Thơ đã phát biểu ý kiến, phản ánh, kiến nghị về nhiều vấn đề quan tâm.
Cử tri thành phố Cần Thơ vui mừng vì kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp; hoàn thành toàn bộ chương trình. Đặc biệt Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp để khơi dậy mọi tiềm năng cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, quyết định những vấn đề chiến lược, dài hạn. Chính phủ đã có các giải pháp và chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, sát sao phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, cả nước dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Cử tri thành phố Cần Thơ đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ có ý kiến, đề nghị các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng cho thành phố Cần Thơ cũng như cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển khu vực này theo các Nghị quyết của Trung ương. Trong đó cần khai thác, phát triển hệ thống giao thông vận tải đường thủy, xây dựng tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau.
Một số ý kiến đề nghị có cơ chế thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người dân Cần Thơ, giữ chân lao động ở lại địa phương; xây dựng các cơ sở nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành nông nghiệp tại Cần Thơ để đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố và Đồng bằng sông Cửu Long.
Cử tri phản ánh tình trạng một số hành vi cạnh tranh gây ảnh hưởng đến xuất khẩu và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới; tình trạng gian lận thương hiệu, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng, nhất là đối với vật tư nông nghiệp, gây ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng nông sản.
Nhiều cử tri phản ánh tình trạng giá xăng dầu và vật tư nông nghiệp tăng, song nông sản lại khó tiêu thụ, đề nghị Đại biểu Quốc hội có ý kiến tới cơ quan chức năng để đảm bảo bình ổn giá đầu vào và có cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân; hỗ trợ để người dân đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu, chứng nhận hàng hóa và sản xuất theo hướng bền vững...
Đặc biệt, theo cử tri thành phố Cần Thơ, trong những ngày qua, số người mắc Covid-19 trên địa bàn tăng cao. Trong khi nhiệm vụ hiện nay là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cử tri đề nghị tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, góp phần tạo việc làm, kích cầu để phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong khôi phục sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, trong đó có củng cố y tế cơ sở, có chế độ động viên cán bộ y tế cơ sở...
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri; giải đáp những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội và các cơ quan liên quan để xem xét, giải quyết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, cảm ơn những ý kiến thẳng thắn của cử tri Cần Thơ; chia sẻ những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp Cần Thơ đã và đang phải trải qua do dịch Covid-19 gây ra; đánh giá cao những nỗ lực, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp, đặc biệt cảm ơn lực lượng trên tuyến đầu của thành phố trong phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế.
Thủ tướng cho biết sẽ cùng với các Đại biểu Quốc hội tiếp tục góp sức lực, trí tuệ, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, sát cánh cùng Cần Thơ từng bước giải quyết những vấn đề đặt ra, cùng Cần Thơ phát triển; mong muốn người dân Cần Thơ đã cố gắng rồi cố gắng hơn nữa; đã quyết tâm rồi, quyết tâm hơn nữa; đã nỗ lực rồi, nỗ lực hơn nữa để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ trực tuyến từ điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Người đứng đầu Chính phủ đã thông tin đến cử tri Cần Thơ về tình hình khu vực và thế giới, nhất là những thời cơ, thách thức đặt ra như về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, chênh lệch giàu nghèo... Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp; mỗi nước có cách ứng xử, phòng, chống dịch khác nhau nhưng đều phải vừa phòng, chống dịch, vừa phải khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với Việt Nam, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã gây nhiều hệ lụy. Song chúng ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cũng như các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ...
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, lây lan, nguồn lực, năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở của chúng ta còn hạn chế; tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp... Do đó, ban đầu chúng ta phải dùng các biện pháp hành chính để ứng phó với dịch. Đến nay chúng ta có tỷ lệ tiêm vắc xin cao hơn; năng lực, khả năng ứng phó với dịch tốt hơn; hiểu hơn về vi rút; có các công thức để phòng, chống dịch... nên chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện dự thảo, báo cáo cấp có thẩm quyền “Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19” và “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Trên cơ sở đó làm căn cứ phát triển đất nước trong tình hình mới.
Đối với Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã, đang chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, xây dựng các quy hoạch theo từng lĩnh vực và quy hoạch tổng thể; đồng thời đang trình cấp có thẩm quyền một số cơ chế chính sách đặc thù để giải quyết các điểm nghẽn trong đầu tư, thu hút đầu tư, trong đó có giải phóng mặt bằng để thúc đẩy các dự án đầu tư...
Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thủ tướng ghi nhận và sẽ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng xem xét, có giải pháp. Về ưu tiên cấp vắc xin cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để phủ nhanh tiêm chủng nhằm ngăn chận nguy cơ làn sóng lây nhiễm, quá tải y tế, gây tổn thất lớn, Thủ tướng cho biết trong thời gian qua, để đáp ứng với tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ và Bộ Y tế hết sức quan tâm và ưu tiên phân bổ vắc xin cho các địa phương thuộc khu vực này.
Tính đến ngày 15-11, tại 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được phân bổ trên 27,5 triệu liều vắc xin các loại, đáp ứng 106% nhu cầu vắc xin tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; đã triển khai tiêm chủng được 18,9 triệu liều (tỷ lệ tiêm mũi 1 là 91,7%, mũi 2 là 53,2% người từ 18 tuổi trở lên). Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục phân bổ để tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho 100% người từ 18 tuổi trở lên và vắc xin tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Về vấn đề ổn định giá cả thị trường, nhất là giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp, Thủ tướng cho biết đã giao các bộ, ngành triển khai chương trình bình ổn thị trường, nhất là vào những tháng cuối năm.
Trước phản ánh về tình trạng sạt lở ở Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình trạng sạt lở nói riêng và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung là vấn đề trăn trở của Chính phủ trong nhiều nhiệm kỳ. Hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để có giải pháp tổng thể để thích ứng hiệu quả.
Đối với kiến nghị của cử tri về chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân; hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất bền vững; hỗ trợ người dân bị mất mùa, thua thiệt do dịch Covid-19..., Thủ tướng cho biết Nhà nước đã có các chính sách khác nhau khuyến kích phát triển các sản phẩm có chất lượng, hiệu quả cao và bền vững; yêu cầu chính quyền địa phương rà soát để khuyến khích phát triển.
Về tình trạng gian lận trong kinh doanh, tình trạng buôn bán hàng giả, kém chất lượng, trong đó có kẽ hở trong quản lý cấp phép xuất khẩu gạo, cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới thương hiệu gạo Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp làm ăn chân chính nói riêng, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận phản ánh đồng thời sẽ cho kiểm tra lại để chấn chỉnh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với đề nghị đầu tư, xây dựng các cơ sở kinh tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực..., Thủ tướng hoan nghênh các ý kiến của cử tri và cho rằng đây là đòi hỏi chính đáng và cần thiết nhằm phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ nói riêng, do đó sẽ yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương nghiên cứu, thực hiện, trước mắt là nâng cấp, củng cố các cơ sở hiện có để có thể phục vụ ngay các yêu cầu, nhiệm vụ...