Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Viettel phải là nòng cốt xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao

Ngày 4-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Cùng đi có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với các 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện, trường - Doanh nghiệp. Các chủ thể liên quan bao gồm trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; quỹ đầu tư, tổ chức tài chính.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm các đơn vị nghiên cứu, sản xuất trong Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Ảnh: Dương Giang.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm các đơn vị nghiên cứu, sản xuất trong Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Ảnh: Dương Giang.

Trung tâm có nhiều đối tác lớn và quan trọng của như các tập đoàn công nghệ Google, Meta, Amazon, Siemens, Hitachi, Viettel, FPT, CMC; viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong nước, quốc tế; trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các nước như: Station F Pháp, Brainport Hà Lan, IMEC, Hub.brussels Bỉ, Adlershof Đức... cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước, quốc tế đã tham gia hệ sinh thái.

Sau khi đi thăm cơ sở vật chất, các hoạt động và các sản phẩm đổi mới sáng tạo tại Trung tâm, Thủ tướng đã làm việc với cán bộ, nhân viên Trung tâm. Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các đối tác đã chia sẻ về sự cần thiết, cơ hội và khả năng hợp tác, ý nghĩa to lớn từ đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các đại biểu đề nghị cần có cơ chế chính sách để thu hút, tập hợp nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ là người Việt Nam ở nước ngoài mà còn là nhân lực chất lượng cao của thế giới làm việc cho Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu “đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”; phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, việc xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo là rất cần thiết và kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam phải là nơi hội tụ trí tuệ trên khắp thế giới, không kể biên giới, khoảng cách, tuổi tác. Từ đó tạo ra nguồn lực để tiếp tục lan tỏa lợi ích, giá trị cho toàn xã hội. Để làm được điều này, theo Thủ tướng phải có cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực, công sức và tâm huyết.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan xây dựng văn bản, tạo khuôn khổ pháp lý cho Trung tâm vận hành hiệu quả; xây dựng cơ chế chính sách để thu hút, hội tụ trí tuệ; tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; vườn ươm sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam phải là nơi hội tụ trí tuệ trên khắp thế giới.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam phải là nơi hội tụ trí tuệ trên khắp thế giới.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư vào năm 2019, với tổng số vốn 4.040 tỷ đồng; hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trung tâm, có tổng diện tích 35ha, được thiết lập để hỗ trợ và phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của quốc gia. Khi hoàn thành, đây là nơi tập trung các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế, phòng thí nghiệm, văn phòng của các tập đoàn lớn, nơi làm việc của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có các phân khu chức năng chính, gồm Trung tâm Dịch vụ tích hợp; không gian làm việc cho các công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước; không gian làm việc chung cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; khu các phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo nguyên mẫu; trung tâm tổ chức sự kiện, các khu triển lãm, trưng bày sản phẩm.

Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công; song phải đảm bảo chất lượng, kỹ-mỹ thuật công trình; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động... Quy hoạch xây dựng Trung tâm phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn; song đầu tư thì phân kỳ; làm đến đâu dứt điểm đến đó.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải xây dựng Trung tâm đầy đủ tiện ích, có không gian, cảnh quan, xây xanh, mặt nước; là nơi hội tụ của các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; nơi đáng sống, làm việc của các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà sáng lập, và nhân sự làm việc trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

* Cũng trong chiều 4-3, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác cũng thăm, làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) về hoạt động nghiên cứu sản xuất công nghệ cao.

Về phía Bộ Quốc phòng có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thủ tướng đã tham quan các sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu do Viettel nghiên cứu và sản xuất ở 3 lĩnh vực: Quân sự, hạ tầng viễn thông, sản phẩm dân sự. Đối với lĩnh vực quân sự, Viettel đã nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho quân đội.

Trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông, Viettel làm chủ toàn bộ hệ thống mạng 5G từ trạm thu phát vô tuyến, thiết bị truyền dẫn và mạng lõi. Đến nay, Viettel đã triển khai diện rộng đầy đủ các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của Viettel.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của Viettel.

Hiện nay, Viettel đang đứng vị trí số 1 về pháp nhân Việt Nam đăng ký và được cấp bằng sở hữu công nghiệp. Viettel đã được công nhận 18 sáng chế quốc tế (Mỹ), 80 sáng chế trong nước, 19 giải pháp hữu ích, 12 kiểu dáng.

Thăm phòng trưng bày sản phẩm của Viettel, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với tầm nhìn “sáng tạo vì con người” và sứ mệnh “tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số”, Viettel là doanh nghiệp luôn coi trọng và đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển; góp phần hình thành nền công nghiệp viễn thông, bảo đảm an toàn cho công cuộc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số cho người dân.

Thủ tướng đề nghị Viettel tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa tầm nhìn và sứ mệnh để thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, Viettel phải tập trung xây dựng và phát triển, là nòng cốt xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; xây dựng, phát triển nền công nghiệp sản xuất thiết bị dân sự, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển; trước mắt phục vụ đắc lực, hiệu quả chuyển đổi số quốc gia với các trụ cột xây dựng Chính phủ số, xã hội số; giữ vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số; xây dựng dữ liệu quốc gia; tăng cường an ninh, an toàn viễn thông, an toàn mạng...

HUY LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-tham-va-lam-viec-voi-trung-tam-doi-moi-sang-tao-quoc-gia-va-tap-doan-viettel-720707