Thủ tướng Chính phủ: Tây Ninh hội tụ đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển

Chiều ngày 5/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển Tây Ninh

Chiều ngày 5/5/2024, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị; cùng tham dự có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan ngang Bộ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước) và các lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.

Toàn cảnh Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. (Ảnh: Tiến Phòng).

Toàn cảnh Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. (Ảnh: Tiến Phòng).

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, quy hoạch tỉnh là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất quản lý và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Đây cũng là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

"Về mục tiêu, đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.", Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhân dân hiểu và nắm bắt các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động từ đó thể hiện quyết tâm, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện quy hoạch, tạo ra động lực mới phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, mang tính đột phá, đưa Tây Ninh trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam Bộ.

Thủ tướng Chính phủ tặng hoa và chúc mừng Hội nghị Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. (Ảnh: Tiến Phòng).

Thủ tướng Chính phủ tặng hoa và chúc mừng Hội nghị Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. (Ảnh: Tiến Phòng).

Phát biểu chi đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Quy hoạch của tỉnh Tây Ninh. Thủ tướng cho biết, Tây Ninh có lợi thế nằm ở vùng Đông Nam Bộ, đây là vùng phát triển nhất cả nước. Ngoài ra, Tây Ninh là một tỉnh biên giới, có vị trí chính trị rất quan trọng trong quốc phòng, an ninh của đất nước. Đặc biệt, vai trò kết nối với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long và hành lang kinh tế phía Nam. Cùng với đó, Tây Ninh cũng có lợi thế về kinh tế cửa khẩu với nước bạn Campuchia. Thủ tướng nhấn mạnh, Tây Ninh hiện đã hội tụ đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Thủ tướng đề nghị, dựa trên lợi thế của tỉnh, Tây Ninh cần khai thác tối đa những tiềm năng của địa phương. Đặc biệt, cần phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển. Ví dụ trong đó là tiềm năng của Núi Bà Đen và Hồ Dầu Tiếng...

Để thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tây Ninh cần xây dựng thêm kế hoạch để thực hiện quy hoạch này. Đặc biệt, khi tổ chức thực hiện theo quy hoạch cần có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, không manh mún, làm việc gì đến đâu chắc đến đó.

Thủ tướng đề nghị, tỉnh Tây Ninh tập trung vào thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường và 3 đẩy mạnh". Cụ thể, "Một trọng tâm" là phát huy tính tự lực, tự cường để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới.

"Hai tăng cường", bao gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ môi trường); tăng cường kết nối vùng, trong nước và quốc tế thông qua sản xuất kinh doanh, hệ thống giao thông, chuỗi cung ứng, sản xuất…

"Ba đẩy mạnh", bao gồm: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện, bao trùm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. (Ảnh: Tiến Phòng).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. (Ảnh: Tiến Phòng).

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị, trong quy hoạch trên tỉnh Tây Ninh lưu ý 5 đảm bảo, cụ thể: Đảm bảo tính tuân thủ; đảm bảo tính đồng bộ; đảm bảo tính liên kết của quy hoạch; đảm bảo tính ổn định, kế thừa và phát triển của quy hoạch và đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo, mở rộng của quy hoạch. Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng, tỉnh Tây Ninh sẽ phát triển đúng tầm, đúng tư duy, tạo động lực mới, truyền cảm hứng cho sự phát triển trong tương lai.

Phát triển Tây Ninh trở thành cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, thực hiện quy hoạch trên, tỉnh đã xác định 7 đột phá phát triển của tỉnh gồm: phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững - Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh cũng xác định phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”.

Cụ thể, 3 vùng phát triển, bao gồm: Vùng 1 là TX. Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía nam huyện Dương Minh Châu, đây là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ có tính lan tỏa kết nối với hồ Dầu Tiếng và nông nghiệp công nghệ cao với trung tâm phát triển của tỉnh là tam giác Trảng Bàng – Phước Đông – Gò Dầu.

Vùng 2, bao gồm: TP. Tây Ninh, TX. Hòa Thành, vùng phía tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành, đây là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Vùng 3, bao gồm: huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía tây huyện Châu Thành và phía bắc huyện Bến Cầu, đây là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng đến an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ Đông.

Tỉnh Tây Ninh xác định tăng tốc công nghiệp hóa để tạo động lực cho sự phát triển bền vững, lâu dài

Tỉnh Tây Ninh xác định tăng tốc công nghiệp hóa để tạo động lực cho sự phát triển bền vững, lâu dài

Cùng với đó, tỉnh sẽ có 4 trục động lực, bao gồm: Trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B, đây là hành lang phát triển Bắc - Nam chính của tỉnh Tây Ninh. Trục số 2 sẽ gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 22, đây là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.

Trục số 3 sẽ gắn với tuyến Đất Sét - Bến Củi, đây là tuyến vành đai trung chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các nút giao với đường cao tốc CT31 (TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài), CT32 (Gò Dầu – Xa Mát) và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên. Trục số 4 gắn với đường tỉnh 781, đây là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.

Ngoài ra, “Vành đai an sinh xã hội” của tỉnh Tây Ninh gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng bằng sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ quốc phòng - an ninh và an sinh cho vùng phía Bắc.

Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 1736/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là bản quy hoạch tích hợp đầu tiên được ban hành theo phương pháp tiếp cận mới, giúp địa phương xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cân bằng, bền vững cho từng giai đoạn; có sự tham gia đồng kiến tạo của các bên liên quan (nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp, cộng đồng) để đảm bảo chiến lược phù hợp với năng lực và động lực thực hiện của các bên, mà trong đó, nền tảng là năng lực quản trị của chính quyền địa phương; tìm ra giải pháp huy động nguồn lực để triển khai quy hoạch cho mỗi thời kỳ một cách hợp lý nhất, đảm bảo nguồn lực và tài nguyên hữu hạn của địa phương được tối ưu.

Tiến Phòng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-chinh-phu-tay-ninh-hoi-tu-du-3-yeu-to-thien-thoi-dia-loi-nhan-hoa-de-phat-trien-318371.html