Thủ tướng Chính phủ thúc tiến độ các dự án giao thông trọng điểm
Thủ tướng yêu cầu mỗi thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia phải nỗ lực, tập trung, quyết liệt, mạnh mẽ và trách nhiệm hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 311/TB-VPCP ngày 7/8/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 6 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Thông báo nêu, sau 3 lần bổ sung danh mục dự án, đến nay có 25 dự án với 75 dự án thành phần thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Khối lượng công việc cần chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai, thực hiện là rất lớn do vậy mỗi thành viên Ban chỉ đạo phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Các địa phương phải tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng; triển khai thủ tục cấp mỏ, nâng công suất mỏ vật liệu một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công.
Về công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, Thủ tướng yêu cầu thực hiện các thủ tục phải đơn giản, nhanh nhất, không để ách tắc.
Thẩm quyền của bộ, ngành, cơ quan nào thì bộ, ngành, cơ quan đó phải giải quyết, không trông chờ, đùn đẩy, né tránh những việc thuộc thẩm quyền trách nhiệm được giao. Trường hợp quá thời hạn quy định mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến đề xuất.
Về nguồn vốn đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải bố trí vốn linh hoạt triển khai các dự án. Tuyệt đối không được tham ô, tham nhũng, lãng phí trong việc bố trí, phân bổ vốn đầu tư.
Các chủ đầu tư tuyệt đối không chia nhỏ các gói thầu, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, chống tiêu cực, tham ô lãng phí.
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Tại Thông báo, Thủ tướng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm đối với các dự án cụ thể trong thời gian tới:
Đối với nhóm dự án đang thực hiện chuẩn bị đầu tư gồm dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, các địa phương được giao thực hiện phải chủ động, cùng Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án được giao.
Các dự án thành phần thuộc Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh hiện nay tiến độ triển khai dự án rất chậm. Do đó, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh khẩn trương lập thiết kế bản vẽ thi công; trình Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ; lựa chọn nhà thầu để khởi công các dự án thành phần trên địa bàn các tỉnh trong tháng 9/2023.
Với nhóm dự án đang đầu tư như 3 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020: QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; cầu Mỹ Thuận 2 và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ) phải hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2023.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 hiện tiến độ giải phóng mặt bằng đã chậm so với yêu cầu do vậy, các địa phương cần hoàn thành chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, di dời các công trình, đặc biệt là đường điện cao thế và phải hoàn thành khu tái định cư trong tháng 9/2023, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023.
Các dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành Đai 3 TP HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cơ bản hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31/12/2023. Phối hợp với nhà thầu khai thác các mỏ vật liệu.
Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và các cơ quan nhanh chóng lựa chọn nhà thầu gói thầu nhà ga hành khách để khởi công trong tháng 8/2023.
Dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, TP HCM phải đưa vào khai thác tuyến Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2023 và tuyến Bến Thành - Suối Tiên đầu năm 2024. Huy động mọi nguồn lực, xây dựng các tuyến đường sắt còn lại theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của 2 thành phố.
Xem xét 6 tỉnh được nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép
Vật liệu xây dựng là điểm nghẽn lớn của nhiều dự án do đó, Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục khai thác các mỏ vật liệu để có thể khai thác cuối tháng 7 và đầu tháng 8 này với các mỏ đã trình.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét cho phép các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như đã áp dụng cho các mỏ cát đang khai thác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, khẩn trương tổng hợp, rà soát kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 của các tỉnh, thành phố, đề xuất giải pháp điều hòa, xác định tiêu chí ưu tiên, phải bảo đảm đủ đất để xây dựng các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông vận tải; hoàn thành trong quý 3/2023.