Thủ tướng: Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư Nhật Bản

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường bền chặt và hiệu quả hơn nữa

Ngày 7-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước với chủ đề "Khả năng mới của mối quan hệ Việt Nhật hướng đến tương lai" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đồng tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh với mối quan hệ bền chặt từ năm 1973, thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản và toàn thể các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân Nhật Bản đã hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, thiết thực đối với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đồng thời, có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo

Thủ tướng nêu rõ quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước Việt - Nhật.

Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương; cùng là thành viên của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

"Đây chính là những hành lang quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau"- Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết thêm sau hơn 30 năm, Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỉ Yên vốn vay, gần 100 tỉ Yen viện trợ không hoàn lại và 180 tỉ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật.

Sự hỗ trợ của Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực. Về đầu tư, đến nay Nhật Bản có hơn 5 ngàn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỉ USD, đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, cơ chế hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ, qua 20 năm thực hiện với 8 giai đoạn đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng cho biết cảm nhận được sự chân thành, tin cậy, chia sẻ, tin tưởng và cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là điều quyết định đối với sự thành công, mang lại hiệu quả cao hơn, kết quả thiết thực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

"Việt Nam đánh giá cao sự nghiêm túc, hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng ta cần phát huy điều này vì lợi ích của hai nước, cộng đồng doanh nghiệp hai nước, vì sự phát triển phồn vinh của Việt Nam và Nhật Bản" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Ichikawa Hideo, đồng chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt thuộc Keidanren, đánh giá cao những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được

Ông Ichikawa Hideo, đồng chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt thuộc Keidanren, đánh giá cao những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được

Bước sang thập kỷ thứ 5 của quan hệ song phương, trên nền tảng quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất phong phú, nhiều dư địa. Do đó, hai bên cần nghiên cứu nâng cấp quan hệ hai nước phù hợp để phát triển ngày càng bền chặt, trong sáng, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới.

Tại Hội thảo này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để tham mưu giúp Chính phủ những giải pháp thiết thực hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai nước.

Đồng thời, Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp FDI nói chung và Nhật Bản nói riêng tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ", theo Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư kinh doanh thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam. "Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống hợp tác, kết quả toàn diện và lòng chân thành, sự tin cậy lẫn nhau; bày tỏ sự tin tưởng quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường bền chặt và hiệu quả hơn nữa, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp quan trọng, tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tại hội thảo, ông Ichikawa Hideo, Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren nhấn mạnh hai nước Nhật Bản - Việt Nam đã có mối quan hệ lâu dài, từ đó các lĩnh vực hợp tác khác đã được thiết lập.

Ông Ichikawa Hideo đánh giá Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế vững chắc, là quốc gia có nền chính trị và xã hội ổn định, là thị trường hấp dẫn đối với thế giới. Hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Ichikawa Hideo, việc tăng cường mối quan hệ kinh tế hai nước không thể không nhắc đến Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Sáng kiến chung đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng hạ tầng kinh tế quan trọng, các dự án ODA, từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng trưởng công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

"Tất cả nỗ lực này là nhờ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản"- ông Ichikawa Hideo nói và khẳng định Keidanren nỗ lực hết mình hướng đến phát triển quan hệ kinh tế sâu sắc giữa hai nước.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-chinh-phu-viet-nam-tao-moi-dieu-kien-cho-nha-dau-tu-nhat-ban-20230307103435394.htm