Thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công
Sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025, với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Nguồn: VGP.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; là năm tăng tốc, về đích thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; là năm chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; hướng tới 2 mục tiêu chiến lược 100 năm.
Để đạt được các mục tiêu chiến lược đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ xác định mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 (mục tiêu trước đây là 6,5-7%), tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 là 100% (mục tiêu trước đây là 95%).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong những ngày tháng 4, tháng 5 lịch sử với tinh thần thần tốc, táo bạo hơn nữa. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư công lại chưa phát huy được hiệu quả.
Kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm là trên 128.500 tỷ đồng, cao hơn khoảng 18.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, có gần 8.000 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2025 đạt 15,56%, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%).
Trong đó có 37/47 Bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước. Thủ tướng đề nghị phải làm rõ vấn đề này, tìm ra nguyên nhân, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, trách nhiệm của các Bộ, ngành.
“Tại sao cùng một điều kiện, chính sách có nơi làm tốt, có nơi không tốt, liệu có phải do con người, do người đứng đầu không,” Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: VGP.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính thống kê những Bộ, ngành, địa phương nào giải ngân chậm để đánh giá lại cán bộ; những Bộ, ngành nào làm tốt thì khen thưởng; Bộ, ngành nào làm không tốt thì phải xử lý. Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu, “bắt đúng mạch, đúng bệnh” để có giải pháp phù hợp; có các nguyên tắc, công cụ đo lường thường xuyên để đôn đốc, nhắc nhở, phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các cán bộ, đảng viên phải suy nghĩ, nghiên cứu, tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi thể chế, chính sách, tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các luật liên quan ngân sách, đấu thầu, bởi thực tế là các các doanh nghiệp tư nhân thường giải ngân, triển khai rất nhanh các công trình.
Các cấp từ Trung ương tới địa phương phải quyết liệt vào cuộc, nỗ lực, tích cực hơn nữa, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, công việc, không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; các Bộ ngành, cơ quan Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước, không làm những việc cụ thể. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng phải chủ động trong thúc đẩy đầu tư.