Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Sáng 21-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến 'Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4'.

Ảnh: TRẦN HẢI

Ảnh: TRẦN HẢI

Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố; đại diện một số viện, trường, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5 đến 7%/năm. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế bảo đảm chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có hơn 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Cùng với đó, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi (tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; các khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%). Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

So với năm 2011, số lượng máy kéo cả nước năm 2019 tăng khoảng 48%; máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%. Đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP), chiếm hơn 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15%. Cả nước hiện có 7.803 doanh nghiệp cơ khí và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.

Năm 2030, công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7 đến 8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; hơn 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Đối với lĩnh vực cơ giới hóa mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80 đến 100%. Tại những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung mức độ cơ giới hóa được đồng bộ và tiến tới tự động hóa.

Ảnh: TRẦN HẢI

Ảnh: TRẦN HẢI

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu. Trình độ công nghệ chế biến mới ở mức độ trung bình của thế giới với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp; hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70 đến 85%)… Đối với lĩnh vực cơ giới hóa, hiện mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa toàn diện; trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra nguyên nhân của hạn chế trên là do tổ chức liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu. Đặc biệt, cơ chế chính sách hiện có chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào chế biến nông sản, trong đó, một số chính sách như đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh. Nhiều đại biểu kiến nghị Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tập thể và cá nhân có vốn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản; hỗ trợ cho vay vốn và lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến hiện đại, công nghệ cao; tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu vượt bậc của lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong những năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh thành công thì các ngành hàng nông nghiệp vẫn còn thất thoát lớn do các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản, cơ giới hóa còn thấp. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi là rất cần thiết, nhưng chế biến sâu càng quan trọng hơn nhằm gia tăng giá trị, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần lắng nghe, tiếp thu, nhằm tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa về cơ giới hóa và đẩy mạnh chế biến sâu nhằm đón thời cơ mới của nền nông nghiệp nước nhà. Về cơ chế chính sách phát triển các lĩnh vực này, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng các bộ, ngành sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030; Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp… Bộ Công thương triển khai sớm chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam; Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình khoa học công nghệ quốc gia nhằm nâng cấp công nghệ chế biến và bảo quản nông sản; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp nông nghiệp. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố bên cạnh việc thực hiện chính sách của Trung ương, cần chủ động xây dựng triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của địa phương mình về chế biến và bảo quản nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp.

Tin: TIẾN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43343202-thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-ve-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-nong-san.html