Thủ tướng chủ trì họp cho ý kiến về dự thảo đề án phát triển văn hóa
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đề án với tên gọi theo hướng quốc tế hóa bản sắc văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới; đồng thời tiếp tục làm rõ hơn về nội hàm, phạm vi, đối tượng, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp.
Sáng 1/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về một số nội dung quan trọng, trong đó có đề án liên quan đến phát triển văn hóa để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi sự đột phá, tăng tốc để đạt 2 mục tiêu 100 năm đã được đề ra.
Các nhiệm vụ, giải pháp đã và đang được triển khai đồng bộ, bài bản, toàn diện và hiệu quả trên cơ sở kế thừa, phát huy thành tựu, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước và vận dụng sáng tạo, bổ sung, hoàn thiện tầm nhìn và hành động của Đại hội XIII.
Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, trong đó văn hóa là một trong những thành tố rất quan trọng. Truyền thống văn hóa - lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, được vận dụng sáng tạo trong điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và bối cảnh quốc tế.
Với quan điểm "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "văn hóa là sức mạnh nội sinh", "văn hóa còn thì dân tộc còn", "phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội"..., Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lĩnh vực văn hóa với nhiều quyết sách quan trọng, lịch sử như ban hành Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943; ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (năm 1998); tổ chức các hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946 và năm 2021.

Thủ tướng nhấn mạnh việc quốc tế hóa văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới.
Thủ tướng đánh giá đây là đề án khó, nằm trong tổng thể chung các quyết sách chiến lược gần đây, nhằm tạo sự phát triển đột phá trên các lĩnh vực trụ cột quan trọng, cùng với các nghị quyết "bộ tứ trụ cột" đã được Bộ Chính trị ban hành (về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; xây dựng và thực thi pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân) và hai nghị quyết về giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân đang được xây dựng, hoàn thiện để trình Bộ Chính trị.
Nhấn mạnh khái niệm văn hóa rất rộng, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đề án với tên gọi theo hướng quốc tế hóa bản sắc văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới; đồng thời tiếp tục làm rõ hơn về nội hàm, phạm vi, đối tượng, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của đề án.
Trong đó, Thủ tướng cho rằng cần xác định các mục tiêu tới năm 2030 và tới năm 2045, trong đó có mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; mục tiêu trên các lĩnh vực văn hóa. Quan điểm là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện 2 mục tiêu 100 năm; nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, người dân được thụ hưởng thành quả; đột phá về thể chế để huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công tư; các sản phẩm văn hóa có thể thương mại hóa và những người làm văn hóa sống được bằng nghề với thu nhập cao.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại cuộc họp.
Thủ tướng lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, quản lý thông minh; cơ chế huy động, đa dạng hóa nguồn lực; đào tạo nguồn nhân lực; công tác tuyên truyền, quảng bá; nâng cao đời sống tinh thần, sự thụ hưởng của người dân; hợp tác quốc tế.
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện đề án trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ và chất lượng.