Thủ tướng chủ trì họp Tiểu ban KT-XH phục vụ Đại hội Đảng XIII
Thủ tướng cho biết, tại các phiên thảo luận và báo cáo tiếp thu, giải trình, Trung ương đánh giá cao các báo cáo của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.
Sáng 16/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế -Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Tiểu ban, nhằm thảo luận, hoàn thiện các dự thảo báo cáo sau khi đã trình Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10/2019) để báo cáo Bộ Chính trị, sau đó lấy ý kiến tại Đại hội Đảng các cấp.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã cho ý kiến vào dự thảo báo cáo của các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó có 2 báo cáo của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã trình ra Trung ương và cơ bản Trung ương cũng đã cho ý kiến, cơ bản thông qua là Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; thứ hai là Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.
Thủ tướng cho biết, tại các phiên thảo luận và báo cáo tiếp thu, giải trình, Trung ương đánh giá cao chất lượng và cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo của Tiểu ban Kinh tế -Xã hội. Đây là cố gắng rất lớn, là công sức và trí tuệ của tất cả các thành viên Tiểu ban, Tổ biên tập, các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan.
Thủ tướng cho biết, với thái độ nghiêm túc triển khai nhiệm vụ Trung ương giao, từ khi được thành lập, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội đã có 5 phiên họp toàn thể, triển khai nghiên cứu 42 chuyên đề, tổ chức 6 buổi làm việc với tất cả địa phương theo vùng trên cả nước, tổ chức nhiều hội thảo trong nước, quốc tế và đặc biệt là ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học.
Các Phó Thủ tướng là các thành viên của Tiểu Ban cũng đã tổ chức các buổi lắng nghe các nhà khoa học, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo các báo cáo với tinh thần tiên tiến, đổi mới cách mạng. Đặc biệt là Tổ biên tập đã làm việc với những tổ chức quốc tế nổi tiếng tại Việt Nam và nhận được nhiều ý kiến tốt cho báo cáo.
Tại phiên nọp này, Thủ tướng nêu 3 nội dung trọng tâm cần thảo luận. Thứ nhất là cho ý kiến về các nội dung hai dự thảo báo cáo được Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện, nhất là những nội dung mới so với báo cáo đã trình Trung ương. Thứ hai là thông qua nội dung chủ yếu trong báo cáo tóm tắt phục vụ Đại hội Đảng, các cấp, cấp cơ sở để trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Thứ ba cho ý kiến về dự thảo kế hoạch hoạt động 2020 của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tổ Biên tập.
Về nội dung báo cáo, thời gian qua, Tổ biên tập đã rà soát, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung nhiều điểm sát thực tế, đáp ứng yêu cầu đặt ra, phù hợp với nội dung báo cáo chính trị, trong hoàn thiện những mục tiêu, quan điểm phát triển, các đột phá chiến lược, phương hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, đặc biệt là khớp nối một cách căn bản với các báo cáo của Tiểu Ban Văn kiện.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên thảo luận các nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề nhận định, đánh giá tình hình đất nước 10 năm qua đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Cùng với đó cần đánh giá về các hạn chế, yếu kém, cần đánh giá sâu sắc hơn các lĩnh vực theo hướng không tô hồng nhưng cũng không bôi đen. Trong đó lưu ý đánh giá về kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ chức sản xuất cơ cấu lại ngành nông nghiệp, du lịch, kết cấu hạ tầng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các vấn đề nổi lên về văn hóa xã hội.
Một nội dung nữa là thảo luận về bối cảnh quốc tế trong nước thời gian tới để thấy những mâu thuẫn trái ngược nhau, những thay đổi nhanh chóng, những thách thức truyền thống và phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu, quy mô thương mại 200% GDP.
Về các đột phá chiến lược, hai Tiểu ban đã thống nhất 3 đột phá chiến lược. Vấn đề là cần bổ sung phù hợp về nội hàm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hóa con người, khát vọng dân tộc, ý chí phấn đấu vươn lên.
Về phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng đề nghị các thành viên Tiểu ban cần thảo luận vấn đề khơi thông, huy động sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển hài hòa bền vững các trụ cột kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Thủ tướng nêu rõ, theo kế hoạch tổng thể của Tiểu ban, năm 2020 còn nhiều việc phải làm, tiếp tục lắng nghe ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học về dự thảo báo cáo của Tiểu Ban; Xây dựng báo cáo tóm tắt xin ý kiến Đại hội Đảng các cấp, cấp huyện, tỉnh...
Báo cáo phải đưa ra được định hướng tạo nên niềm tin mà các cấp cơ sở thấy là báo cáo chính trị, báo cáo kinh tế xã hội và chiến lược tạo nên một cái định hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với đó là đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, tiếp thu hoàn thiện trình hội nghị Trung ương. Cuối cùng sẽ hoàn thiện báo cáo trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao các thành viên của Tiểu ban đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đưa ra những phân tích đánh giá sắc sảo, đề xuất cả vấn đề quan trọng với quốc kế dân sinh và những vấn đề đặt ra đối với đất nước trong 5 năm và 10 năm tới.
Cùng với những ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Tiểu ban cho ý kiến bằng văn bản gửi cho Tổ biên tập, đặc biệt là về những nội dung liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách để có dự thảo báo cáo có chất lượng cao nhất, được chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm tinh thần “Đảng chấp nhận, dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao”.
Qua ý kiến của các thành viên Tiểu ban, Thủ tướng cho biết, cơ bản các thành viên nhất trí với dự thảo báo cáo, nhất là các nội dung đã tiếp thu, chỉnh lý, thống nhất giữa hai Tổ biên tập về đánh giá tình hình, dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước, quan điểm phát triển. Tinh thần chung là đánh giá đúng, sát tình hình; bàn tiến chứ không bàn lùi, nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như kinh tế vùng, kinh tế biển, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, du lịch, kết cấu hạ tầng, văn hóa xã hội. Tổ biên tập tiếp tục rà soát, thể hiện nổi bật được vai trò của yếu tố mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hóa con người, khát vọng dân tộc, ý chí phấn đấu, vươn lên mạnh mẽ. Vấn đề phát triển hài hòa bền vững, nhất là phát triển mạnh mẽ văn hóa xã hội, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân rất quan trọng.
Thủ tướng cũng cho rằng, cần nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm của các nước, nhất là các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng, gồm cả kinh nghiệm thành công và không thành công./.