Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện
Chiều 6/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.
Cùng tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương.
Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện được thành lập theo Quyết định 1394/QĐ-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tài chính toàn diện, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo và lãnh đạo các bộ ngành địa phương, tập trung xem xét, đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược thời gian qua, những việc đã làm được, chưa làm được; cập nhật tình hình mới để lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo để chính sách đi vào cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong hơn 2 năm qua, nước ta đã rất nỗ lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Khuôn khổ pháp lý không ngừng được hoàn thiện tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện. Mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính phát triển rộng khắp các địa bàn trên cả nước, đặc biệt là các kênh cung ứng dịch vụ trên nền tảng hiện đại như điện thoại di động, internet; Các sản phẩm, dịch vụ tài chính được phát triển đa dạng, hiện đại, an toàn, tiện lợi, với chi phí hợp lý.
Đặc biệt, một số giải pháp rất quan trọng, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp thực hiện như: Ban hành quy định cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money), xây dựng và chính thức vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho thấy còn nhiều khó khăn và thách thức đang ở phía trước để có thể đạt được những mục tiêu của tài chính toàn diện như: Mạng lưới điểm cung ứng dịch vụ tài chính phát triển còn chưa đồng đều, cần phải sắp xếp hợp lý và mở rộng độ bao phủ hơn nữa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn; Các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng đi kèm rủi ro, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được nhanh chóng bổ sung hoàn thiện. Đặc biệt, phải tuyên truyền về kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính cho người dân, khiến người dân thấy được sự tiện ích, an toàn thì họ mới tin và sử dụng.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã đề ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện. Điều này khẳng định sự quyết tâm, sẵn sàng tiếp cận những vấn đề mới để triển khai thành công tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Trong thời gian tới để thực hiện được mục tiêu đã đề ra Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, đồng thời tổ chức triển khai tốt hơn nữa các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược. Hàng năm, báo cáo tình hình triển khai Chiến lược gửi NHNN để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có những chỉ đạo kịp thời.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo; chỉ đạo bộ, ngành mình tích cực, chủ động, sáng tạo, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược; bố trí nguồn nhân lực và kinh phí phù hợp; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để gia tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo để triển khai đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ; tổ chức theo dõi, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động của đơn vị mình để kịp thời rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó Thủ tướng cũng chỉ rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Đặc biệt đối với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục làm tốt vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; định kỳ đánh giá tình hình thực hiện, kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất để báo cáo Ban Chỉ đạo.
Tiếp tục xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng; tăng năng lực quản lý giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống; triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm dịch vụ, các kênh cung ứng dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng các giải pháp công nghệ số để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng đầy đủ và phù hợp các nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt...
Tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia; tham gia các khuôn khổ hợp tác, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện nhằm tăng cường hội nhập quốc tế về tài chính toàn diện, tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nhằm gia tăng nguồn lực cho việc thực thi Chiến lược.
Thủ tướng cũng yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về tài chính toàn diện.
Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy định của pháp luật về giao dịch điện tử để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử./.