Thủ tướng: Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế cần phải quan tâm hơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, qua công tác chỉ đạo, điều hành cho thấy không ít vấn đề, vướng mắc về thể chế đang đặt ra và cần được khẩn trương điều chỉnh, hoàn thiện. Vì vậy, phải quan tâm hơn, trách nhiệm hơn với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Sáng 23/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2023.

Dự phiên họp có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung cao độ thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hoàn thiện thể chế.

Trong năm 2022, Chính phủ tổ chức 9 phiên họp và nhiều cuộc họp Thường trực Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật. Bước vào năm 2023, đây là phiên họp thứ 2 của Chính phủ để xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho phát triển.

Theo Thủ tướng, cùng với sự chuyển động và phát triển nhanh là những vấn đề phát sinh, những yếu tố mới mà quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết được. Qua công tác chỉ đạo, điều hành cho thấy không ít vấn đề, vướng mắc về thể chế đang đặt ra và cần được khẩn trương điều chỉnh, hoàn thiện. Vì vậy, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được quan tâm rồi, càng phải quan tâm hơn và với trách nhiệm cao hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023 và cả giai đoạn, đòi hỏi phải chủ động, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế phải bám sát các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ trình để Quốc hội xem xét; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ xử lý; những vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì bộ, ngành chủ động thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng đề nghị tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã rất chủ động, nỗ lực từ đầu nhiệm kỳ đối với công tác này, song cần tiếp tục nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược xây dựng pháp luật vừa phải đảm bảo tiến độ, phải đảm bảo chất lượng.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với 3 đề nghị xây dựng luật và 4 dự án Luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; Dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Các bộ, ngành, địa phương chủ trì soạn thảo trình bày tờ trình tóm tắt các đề nghị xây dựng luật, dự án luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với các đề nghị xây dựng luật, các dự án luật. Bên cạnh đó, Chính phủ thảo luận sôi nổi về sự cần thiết ban hành các luật; tính thống nhất, phù hợp của các luật được đưa ra xây dựng lần này với pháp luật có liên quan và với thông lệ quốc tế và về các nội dung, chính sách cơ bản của các luật, quy định.

Đối với đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ thảo luận 9 nhóm chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Trong đó các đại biểu quan tâm đối với cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội; vấn đề tổ chức chính quyền đô thị; phân bố tài chính, ngân sách; quy hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị; cơ chế khuyến khích đổi mới sách tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát huy, phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế... Đặc biệt là cơ chế tạo nguồn lực, huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là hợp tác công tư.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng trình bày dự án Luật Phòng không nhân dân; Dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng trình bày dự án Luật Phòng không nhân dân; Dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự.

Đối với đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân, các thành viên Chính phủ thảo luận các quy định về chính sách quản lý, chỉ huy, chỉ đạo lực lượng phòng không nhân dân; chính sách xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; chính sách huy động lực lượng phòng không nhân dân; chính sách đối với lực lượng phòng không nhân dân.

Các chính sách này là cơ sở pháp lý xây dựng lực lượng phòng không nhân dân góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung về huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân; quy định về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân...

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản các đại biểu lưu ý việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thúc đẩy công khai, minh bạch; tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản và có quy định đặc thù về đấu giá tài sản cho các tài sản đặc biệt. Bên cạnh đó cần tham vấn đầy đủ, thực chất đối với các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan liên quan; tăng cường truyền thông chính sách. Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện nước ta.

Đặc biệt về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì, đây là dự án luật được nhiều ý kiến quan tâm góp ý kiến nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trên thực tiễn thời gian qua, nhất là về vấn đề sở hữu nhà chung cư, phát triển nhà ở xã hội...

( Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi))

( Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi))

Theo các đại biểu cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý và phát triển nhà ở. Cần đánh giá tác động thật kỹ lưỡng vì Luật này quy định về nhà ở, phát triển, quản lý nhà ở, có tác động rất lớn đến xã hội, liên quan đến quyền hiến định của người dân về quyền sở hữu nhà ở; chính sách phát triển nhà ở. Bên cạnh đó cần cải cách tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận, sở hữu, mua bán, chuyển nhượng nhà ở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các dự án, chuyển nhượng dự án cho phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đó các thành viên Chính phủ cũng đã bàn và cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

(Tổng Giám đốc VOV Đỗ Tiến Sỹ cho ý kiến về Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

(Tổng Giám đốc VOV Đỗ Tiến Sỹ cho ý kiến về Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ghi nhận, đánh giá cao các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông có nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; bảo đảm tiến độ, chất lượng. Các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao. Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật theo quy định. Đề nghị các đồng chí Phó Thủ tướng quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật theo phân công.

Cùn với đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, từng đơn vị, cá nhân trong việc hoàn thành tiến độ, chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo; tránh cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; bổ sung lực lượng làm công tác thể chế; tăng cường chế độ, chính sách.

Về chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV Thủ tướng nêu rõ, đối với các bộ, ngành có dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến: Yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Kiên quyết không chậm, không lùi, không hoãn, không rút ra khỏi Chương trình./.

Vũ Khuyên/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-cong-tac-xay-dung-hoan-thien-the-che-can-phai-quan-tam-hon-post1003540.vov