Thủ tướng Đan Mạch đáp trả sau phát biểu của ông Trump về Greenland
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen vừa tuyên bố rằng Greenland không phải để bán, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không loại trừ khả năng dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát vùng đất này.
Phát biểu mà ông Trump đưa ra ngày 7/1, đề cập đến cả kênh đào Panama, cho thấy thái độ quyết liệt hơn so với những tuyên bố mà ông đưa ra trước đây.
Đáp lại, Thủ tướng Frederiksen nói với đài truyền hình Đan Mạch rằng bà rất vui vì nhiều người Mỹ quan tâm đến Greenland, nhưng nhấn mạnh rằng mọi người cần tôn trọng quyết định của người dân vùng đất này.
Cả Panama và Đan Mạch đều là đồng minh của Mỹ. Đan Mạch là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cũng trong ngày 7/1, ông Donald Trump Jr. – con trai của ông Trump, đã hạ cánh xuống Greenland, dù không có kế hoạch gặp bất kỳ quan chức nào.
Trong bài đăng trên Facebook, lãnh đạo Greenland Múte Egede viết: "Tôi xin nhắc lại: Greenland thuộc về người Greenland. Tương lai và cuộc đấu tranh giành độc lập là việc của chúng tôi. Người Đan Mạch, người Mỹ và tất cả những người khác có thể có ý kiến, nhưng chúng ta không nên bị cuốn vào cơn cuồng loạn và chỉ trích người khác. Bởi vì tương lai của chúng tôi phải do chúng tôi định hình".
Kể từ khi đắc cử, ông Trump đưa ra ý tưởng mua Greenland, đòi lại kênh đào Panama, sáp nhập Canada vào Mỹ và nêu khả năng xâm lược Mexico, khiến các nhà lãnh đạo của họ vô cùng kinh ngạc.
Tại cuộc họp báo ngày 7/1, ông Trump nói rằng Mỹ cần kênh đào Panama vì an ninh kinh tế, và cần Greenland — một khu vực tự trị thuộc Đan Mạch — vì lý do an ninh quốc gia.
Khi được hỏi liệu ông có thể đảm bảo với cả Panama và Greenland rằng ông sẽ không sử dụng vũ lực quân sự hay không, Trump đã trả lời "không".
Ông Trump cho rằng Đan Mạch có thể không có quyền hợp pháp ở Greenland, mặc dù có sự công nhận chung của quốc tế về chủ quyền đối với vùng đất này.
"Nhưng nếu họ có (quyền hợp pháp) thì họ cần phải từ bỏ nó", Trump nói và đe dọa rằng nếu Đan Mạch không đồng ý với đề xuất của ông liên quan đến Greenland, ông sẽ áp đặt "thuế quan ở mức cao" đối với Đan Mạch.
Ý nghĩa chiến lược
Greenland có ý nghĩa chiến lược quân sự đối với quân đội Mỹ và hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của nước này, và tuyến đường ngắn nhất từ châu Âu đến Bắc Mỹ đi qua Greenland.
Quân đội Mỹ duy trì hiện diện thường trực tại căn cứ không quân Pituffik ở phía tây bắc Greenland.
Mỹ đã bày tỏ quan tâm đến việc tăng cường sự hiện diện quân sự, bao gồm việc lắp đặt radar tại Greenland để giám sát vùng biển giữa hòn đảo, Iceland và Anh, nơi đóng vai trò cửa ngõ cho các tàu hải quân và tàu ngầm hạt nhân của Nga.
Theo các nhà nghiên cứu, về mặt địa lý, Greenland là một phần của lục địa Bắc Mỹ và Mỹ muốn tránh để bất kỳ cường quốc nào khác thiết lập hiện diện trên đảo Bắc Cực.
Hòn đảo này gần New York hơn thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Nơi đó cũng có trữ lượng lớn về khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.