Thủ tướng: Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước, cho sự phát triển nhanh, bền vững, lâu dài, hiệu quả cao, trong đó cần đặc biệt quan tâm, 'thực tâm, thực lòng, thực chất' trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em khuyết tật.
Ngày 31/5, nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động Vì Trẻ em 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, tặng quà các thầy cô giáo, các cháu học sinh đang theo học tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng, xúc động tới thăm, gặp gỡ, trò chuyện với các thầy cô giáo, các cháu học sinh của Trung tâm - nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và hướng nghiệp cho những học sinh kém may mắn, chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa.
Thủ tướng nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc và ấm no.
Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước, đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững, nhanh và mang lại hiệu quả cao. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh; tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; không phân biệt đối xử và bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan; coi đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài.
Qua báo cáo của lãnh đạo Trung tâm, Thủ tướng vui mừng được biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhưng các thầy cô giáo và các cháu học sinh đã rất nỗ lực, cố gắng để dạy tốt và học tốt.
Ngoài học văn hóa, các cháu còn được học tin học, được hướng nghiệp dạy nghề (hiện đang có nghệ nhân dạy các cháu làm hoa đất), dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ giúp các cháu hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, các cháu được chăm sóc tốt, được vui chơi, tham gia nhiều hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe bổ ích, lý thú.
Thủ tướng rất vui mừng được biết, sau khi được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm, có những cháu được gia đình cho đi học tiếp cấp THCS, có những cháu được các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận dạy nghề và tạo việc làm với mức thu nhập từ 3 đến 10 triệu đồng/tháng.
Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện văn hóa, truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta, giúp cho trẻ em không được may mắn có cơ hội khẳng định mình và có những đóng góp nhất định cho xã hội; là minh chứng rõ nét, sống động cho lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên".
Về một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng lưu ý một số trọng tâm, mà trước hết là tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, giáo dục trẻ em nói riêng.
Trong đó, tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề như: Tình trạng thiếu cơ sở giáo dục, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; thừa, thiếu giáo viên cục bộ; hiện tượng giáo viên có những hành vi không đúng mực, bạo lực, xâm hại… đối với trẻ em; tình trạng sách giáo khoa còn những bất cập, trường tạm, điểm trường còn xa, điều kiện sinh hoạt, dạy và học của thầy và trò còn khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cùng với đó là vấn đề bảo đảm nhà vệ sinh, nước sạch, chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại bếp ăn của các trường học; những hiểm họa, như ma túy học đường, đuối nước, trò chơi bạo lực, tai nạn thương tích...; tình trạng thiếu nơi vui chơi giải trí an toàn, bổ ích, nhất là trong dịp hè để phòng ngừa, ngăn chặn những thông tin xấu độc, không trong sáng trên môi trường mạng, văn hóa ngoại lai, không chuẩn mực...
Thủ tướng mong muốn các thầy cô giáo của hệ thống các trường chuyên biệt nói chung và của Trung tâm nói riêng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục chia sẻ, đồng cảm, thương yêu, dạy dỗ, chỉ bảo các cháu học sinh trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội.