Thủ tướng đến Quảng Ninh, Hải Phòng chỉ đạo các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3
Chiều 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh và Hải Phòng – nơi bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất, gây nhiều thiệt hại nhất theo thống kê tới sáng 8/9.
Tại đây, Thủ tướng đã thăm hỏi người dân về các thiệt hại và động viên các lực lượng Quân đội, Công an, thanh niên, công nhân môi trường đô thị đang làm nhiệm vụ dọn dẹp sau bão.
Trước đó, tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo trước mắt hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng cho Quảng Ninh và Hải Phòng để khắc phục hậu quả của bão số 3.
Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão hình thành phía đông của Philippines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Hai địa phương này đã cùng các lực lượng quán triệt, thực hiện nghiêm túc 3 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quảng Ninh đã sơ tán 3.460 người; Hải Phòng sơ tán 23.581 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn.
Thống kê sơ bộ thiệt hại, Quảng Ninh đã có 3 người chết, Hải Phòng 1 người chết. Trong số khoảng 200 người bị thương do bão thì Quảng Ninh có 157 người, Hải Phòng 13 người. 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Quảng Ninh, Hải Phòng cùng các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng,
Về nông nghiệp, trong 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại thì Hải Phòng có 6.750 ha. Trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi chủ yếu ở Quảng Ninh...
Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3 sáng 8/9, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện 5 mục tiêu, bao gồm:
Thứ nhất, tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số.
Thứ hai, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh.
Thứ ba, khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Thứ tư, thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời.
Thứ năm, ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…