Thủ tướng dự Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn
Chiều 21/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn.
Cùng dự có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Giáo Dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, các Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Về phía tỉnh Lạng Sơn có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở ngành trong tỉnh, cùng đông đảo quần chúng nhân dân tỉnh Lạng Sơn, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lạng Sơn là vùng đất “phên giậu”, địa đầu Tổ quốc, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, với vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm kết nối quan trọng của vùng, cả nước và điểm trung chuyển quan trọng của khu vực là "cầu nối" quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và châu Âu, có lợi thế lớn trong phát triển dịch vụ - thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch.
Trong năm 2023 tình hình kinh tế xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá GRDP tăng 7%; Tình hình kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm 2024 tiếp đà hồi phục, đạt được những kết quả tích cực; nổi bật là: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 30,85%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,07%; lượng khách du lịch tăng 12,7%; đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 135% so với cùng kỳ…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lạng Sơn đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước.
Đồng thời Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Lạng Sơn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo Hội nghị quan trọng này. Thủ tướng khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, kết hợp công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư của Tỉnh; thể hiện tầm nhìn chiến lược, cách làm bài bản, khoa học và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn của quý vị đại biểu, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng đã khái quát về công tác quy hoạch nói chung đồng thời khẳng định, quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng; công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ hiện đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch.
Về quy hoạch tỉnh Lạng Sơn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 Thủ tướng đánh giá, quy hoạch được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh. Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, chính sách ưu đãi, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới.
Quy hoạch tỉnh đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Lạng Sơn trong bức tranh chung của các tỉnh, thành trong khu vực và trên cả nước.
Thủ tướng chỉ rõ, định hướng, ưu tiên phát triển trong đó nhấn mạnh, một trục phát triển: Đồng Đăng - Hữu Lũng gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam; 2 hành lang kinh tế là Cao Lộc - Văn Lãng - Tràng Định; TP Lạng Sơn mở rộng - Lộc Bình - Đình Lập; 3 vùng KTXH là vùng kinh tế động lực; Vùng kinh tế phía Đông, Vùng kinh tế phía Tây; 4 khâu đột phá phát triển gồm: Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng KTXH; Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch; Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại. Năm bảo đảm trong triển khai quy hoạch là: Bảo đảm tính tuân thủ của quy hoạch; Bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch; Bảo đảm tính liên kết của quy hoạch; Bảo đảm tính linh hoạt của quy hoạch; Bảo đảm tính mở rộng của quy hoạch.
Đồng thời, Lạng Sơn cần chú trọng, tập trung thực hiện 8 trọng tâm: Đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; Đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng, ngành kinh tế mũi nhọn; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn; Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KTXH.
Cùng với đó Thủ tướng đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong đó nhấn mạnh, phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch.
Phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển KTXH, có tính lan tỏa lớn, gồm: Các dự án tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lượng tái tạo, thúc đẩy sự phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch, nông nghiệp, đô thị; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; hạ tầng xã hội; các dự án phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, đổi mới sáng tạo, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó, tập trung vào những ngành như nông nghiệp; công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ logistics, du lịch. Chú trọng phát triển văn hóa, con người, nâng chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.
Về công tác thông tin, truyền thông về Quy hoạch đối với Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị tỉnh phải phổ biến quy hoạch sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau để Nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng".
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh. Nghiên cứu việc xây dựng các quỹ, cơ chế để hỗ trợ các dự án có tính liên tỉnh, thành phố thuộc vùng...
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Lạng Sơn; Thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; Phối hợp, hỗ trợ hiệu quả với Lạng Sơn, cùng địa phương, cùng cả vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện quy hoạch.
Về thu hút đầu tư, Thủ tướng cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Lạng Sơn; tin tưởng các dự án sẽ thành công, mang lại hiệu quả thiết thực. Thủ tướng đề nghị đối với cộng đồng DN, nhà đầu tư: Phát huy sứ mệnh của DN trên tinh thần “ba cùng”: “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”; Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; theo đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh; Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Đóng góp ý kiến tham vấn cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ; Tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm ASXH, đời sống cho người lao động.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng các bộ, ngành, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn và các địa phương: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần củng cố niềm tin, tạo khí thế mới, động lực mới cho phát triển.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng anh hùng, với đà phát triển mạnh trong những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Lạng Sơn sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch đã công bố, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị; trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc; là “cầu nối” quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Tại hội nghị, Tỉnh Lạng Sơn trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận, ký biên bản ghi nhớ đăng ký đầu tư. Tổng số 24 dự án với tổng vốn đầu tư trên 40 nghìn tỷ đồng.
Trong Hội nghị hôm nay, tỉnh Lạng Sơn cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ và cam kết hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo đã hỗ trợ 1.800 căn nhà, trị giá khoảng 73 tỷ đồng; cùng cả nước phấn đấu đến năm 2025 hướng tới xóa nhà dột nát cho 100% hộ nghèo. Đây là chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt trong Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn SOVICO đã trao tặng kinh phí xóa 300 căn nhà tạm, nhà dột nát, với tổng trị giá 15 tỷ đồng.