Thủ tướng dự Hội nghị công bố Quy hoạch, xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long
Ngày 23/3, tại thành phố Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Vĩnh Long và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại Hội nghị, Vĩnh Long công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023; cung cấp những thông tin cơ bản, tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; mời gọi thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng vốn cam kết hơn 19.600 tỷ đồng.
Thủ tướng và các đại biểu cũng thăm không gian Triển lãm Quy hoạch tỉnh, khu gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, giới thiệu những địa điểm tham quan nổi bật của tỉnh, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư kết nối giao thương, gặp gỡ tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển.
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Theo quy hoạch, không gian phát triển được tổ chức hợp lý, hài hòa giữa các tiểu vùng, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long xác định: Một trục động lực phát triển (tuyến Quốc lộ 1 đi qua thành phố Vĩnh Long - huyện Long Hồ - thị xã Bình Minh); hai hành lang kinh tế (dọc sông Hậu, dọc sông Tiền và sông Cổ Chiên); ba đột phá phát triển (hạ tầng, lĩnh vực chủ lực, nguồn nhân lực); bốn trụ cột tăng trưởng (công nghiệp, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ, đô thị); năm nhiệm vụ trọng tâm (cơ chế, chính sách; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế tư nhân)…
Theo Quy hoạch, tỉnh lựa chọn, tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng đúng với tiềm năng, lợi thế, trong đó: (i) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; (ii) Phát triển du lịch trên nền tảng các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống; du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn…, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; (iii) Phát triển nhanh một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, trọng tâm là các ngành có khả năng sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị theo phương thức "hai trong một", kết hợp Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Hội nghị xúc tiến đầu tư; đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và thành quả của tỉnh Vĩnh Long qua nhiều thời kỳ, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển trong thời kỳ mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển Vĩnh Long toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng nêu rõ, với vai trò rất quan trọng, thời gian qua công tác quy hoạch đã được triển khai đồng bộ, bài bản, khoa học từ Trung ương đến địa phương với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược trên tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương, tìm ra và hóa giải, khắc phục những khó khăn, thách thức, mâu thuẫn, tồn tại; lựa chọn mô hình phù hợp, đúng hướng, huy động được mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Đến nay, chúng ta đã cơ bản hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch (109/111 quy hoạch). Tinh thần là làm quy hoạch kỹ lưỡng nhưng không cầu toàn, không nóng vội, cố gắng thực hiện cho tốt quy hoạch, giữ ổn định, không được thay đổi liên tục, đồng thời phải luôn bám sát tình Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 193 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực HĐBA LHQ, 7 nước thành viên G7, 16 thành viên G20; ký 16 FTA với hơn 60 nước).
Đặc biệt, mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI. Năm 2023, thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%. Trong 2 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 4,3 tỷ USD, tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% (Tính đến cuối tháng 2/2024, hiện còn trên 39,5 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 473 tỷ USD. Có 145 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam).
Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện. Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2023 tăng 12 bậc theo đánh giá của Tổ chức EIU. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022 theo WIPO. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc, từ vị trí 115 lên vị trí 107 (UNDP công bố tháng 3/2024). Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Chỉ số hạnh phúc năm 2024 xếp thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định 5 bài học kinh nghiệm: (1) Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; (2) Sự nghiệp cách mạng của dân, do dân và vì dân; (3) Tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; (4) Kết hợp sức mạnh của tỉnh với của vùng, với cả nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong và ngoài nước; (5) Vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định chuyển đổi số và tăng trưởng xanh là yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững. Đây là xu thế tất yếu và là mục tiêu của mọi quốc gia, là một động lực tăng trưởng mới; không quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai Quy hoạch tỉnh; bảo đảm tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; với tầm nhìn dài hạn gắn với định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đối khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại; tập trung nguồn lực trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tập trung vào các ngành mới nổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, tri thức…), lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng lưu ý cần thay đổi mô hình tăng trưởng, cần làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), chú trọng các động lực mới, nhất là chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chống biến đổi khí hậu… là những xu thế mới, tất yếu trên thế giới hiện nay. Trong quá trình phát triển, Vĩnh Long cần coi trọng yếu tố con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Yêu cầu phát triển đồng bộ toàn diện công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, Thủ tướng lưu ý Vĩnh Long một số lĩnh vực trọng tâm như chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; công nghiệp hóa nông nghiệp với các trung tâm phục vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có các cơ sở sản xuất công cụ, phương tiện nông nghiệp, tăng cường chế biến sâu nông sản; phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có xây dựng thương hiệu, phát triển ngành gốm sứ Vĩnh Long; tập trung đầu tư, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giảm chi phí logistics…; coi trọng phát triển kinh tế ban đêm, thương mại điện tử.
Về nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu phải luôn đổi mới tư duy phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; xây dựng cơ chế chính sách thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Trên tinh thần "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển", Thủ tướng mong các nhà đầu tư chọn các ngành nghề đầu tư phù hợp tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh. Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, chú trọng đào tạo nhân lực, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế. Kinh doanh và đầu tư đúng quy định của pháp luật. Thực hiện thật tốt văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của sự phát triển". Giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan. Phối hợp chặt chẽ với Vĩnh Long đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Bộ, ngành: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm được.
"Từ lãnh đạo tỉnh tới cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đó; với truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư; tôi tin tưởng Vĩnh Long sẽ triển khai tốt quy hoạch và nhanh chóng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, góp phần phát triển vùng ĐBSCL và xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng phát biểu.
Chiều cùng ngày, trong chương trình công tác tại tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Trong chuyến công tác trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu tỉnh Vĩnh Long phối hợp với gia đình các cố lãnh đạo tiến hành tôn tạo, chỉnh trang hai khu tưởng niệm thành không gian mở, trồng thêm cây xanh và mở rộng diện tích để tạo thuận lợi, sự gần gũi, thân thiện cho mọi người dân, du khách khi đến thăm viếng. Lần này, Thủ tướng đến kiểm tra và đánh giá cao tỉnh Vĩnh Long đã cùng gia đình làm rất tốt nhiệm vụ trên tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng thời đã có phương án thiết kế tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Thủ tướng giao tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phối hợp với gia đình để sớm hoàn thành việc chỉnh trang, qua đó, vừa góp phần tri ân những cống hiến của các nhà lãnh đạo, vừa giáo dục truyền thống lịch sử, vừa thúc đẩy phát triển du lịch cho địa phương. Theo gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hiện mỗi tuần Khu lưu niệm đón khoảng 2.000 du khách tới thăm, dâng hương.