Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm Mỹ: Định hình quan hệ tương lai
Trước khi rời nhiệm sở vào cuối năm nay, nhà lãnh đạo 67 tuổi Angela Merkel đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới Mỹ trên cương vị Thủ tướng Đức, theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden. Chuyến công tác của bà A.Merkel đến xứ Cờ hoa thể hiện những di sản của nữ chính trị gia này, đồng thời định hình cho một mối quan hệ song phương được tin tưởng sẽ nồng ấm hơn trong tương lai giữa hai đối tác quan trọng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm vào ngày 15-7.
Thủ tướng Đức A.Merkel là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên có cuộc gặp Tổng thống J.Biden tại Nhà Trắng kể từ khi vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ lên nắm quyền. Các quan chức xứ Cờ hoa mô tả chuyến thăm của bà A.Merkel là một phiên làm việc có hiệu quả được mong đợi. Với 23 lần tới thăm chính thức Washington trong hơn 15 năm, chuyến thăm cuối cùng trên cương vị Thủ tướng là một khoảnh khắc đáng nhớ phản ánh di sản của nữ chính trị gia này. Sau khi dẫn dắt nước Đức trong 4 nhiệm kỳ kể từ năm 2005, nữ chính trị gia kỳ cựu đã tuyên bố không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 và đang chuẩn bị cho sự xuất hiện của người kế nhiệm vào cuối năm nay.
Phát biểu tại cuộc hội đàm kéo dài hơn 1 giờ vào ngày 15-7, Tổng thống J.Biden đã khẳng định hợp tác giữa Mỹ và Đức là mạnh mẽ, đồng thời bày tỏ hy vọng điều này sẽ được tiếp tục duy trì. Ông chủ Nhà Trắng cũng gọi Thủ tướng A.Merkel là một người bạn tuyệt vời của cá nhân ông cũng như của nước Mỹ. Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống J.Biden đã thể hiện rằng hàn gắn quan hệ với Đức là vấn đề ưu tiên, sau thời kỳ “lạnh nhạt” dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump với chính sách “nước Mỹ hàng đầu”. Trong chuyến thăm Đức hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã bày tỏ lập trường của chính quyền Mỹ hiện tại khi đề cao sự hợp tác giữa hai nước trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề trong nước và quốc tế, bao gồm những thách thức hiện tại, lịch sử giữa hai quốc gia và những nỗ lực trong tương lai. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận, chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Đức sẽ góp phần củng cố mối quan hệ sâu sắc và bền vững giữa hai nước, trong đó hai bên hướng tới các vấn đề tương lai cũng như thảo luận về một số vấn đề thời sự như dự án Dòng chảy phương Bắc 2; quan hệ với Nga, Trung Quốc; cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19.
Điểm nhấn đáng chú ý trong chuyến công tác của bà A.Merkel là việc hai bên đã ký Tuyên bố Washington, trong đó nêu ra tầm nhìn chung về hợp tác và khẳng định cơ sở của mối quan hệ giữa hai nước Đức và Mỹ là cùng tuân thủ các nguyên tắc, giá trị, thể chế dân chủ. Hai nước cam kết đấu tranh vì một châu Âu toàn vẹn, tự do và hòa bình, ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phát triển các mối quan hệ đồng minh và đối tác hiện có. Hai bên cũng công bố nhiều sáng kiến hợp tác khác như tổ chức diễn đàn trong các lĩnh vực khác nhau, đối thoại kinh tế và thúc đẩy quan hệ đối tác về khí hậu, năng lượng.
Các quan chức Chính phủ Đức gọi chuyến thăm của bà A.Merkel là sự tiếp nối và thể hiện tầm quan trọng của quan hệ song phương. Trong một bài phát biểu hồi tháng 5, Thủ tướng A.Merkel từng nhấn mạnh Mỹ là đối tác quan trọng nhất của châu Âu và là đối tác tự nhiên, không thể thiếu đối với Đức. Tại buổi họp báo chung với Tổng thống J.Biden sau cuộc hội đàm, Thủ tướng A.Merkel một lần nữa khẳng định vai trò của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tình hữu nghị với Mỹ.
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng A.Merkel là tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đồng minh đã bước vào một thời kỳ mới, nồng ấm hơn và sẵn sàng cho các nỗ lực hợp tác sâu rộng trong tương lai.