Thủ tướng Đức kêu gọi thế giới đoàn kết trong cuộc chiến COVID-19
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trước Quốc hội tại Berlin ngày 23/4/2020. Nguồn: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 18/5 khẳng định cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 toàn cầu sẽ chỉ có thể được khắc phục một cách "nhanh hơn và tốt hơn" khi cả thế giới cùng hợp tác.
Trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên trực tuyến đầu tiên của Đại Hội đồng Y tế Thế giới thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thủ tướng Merkel đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động vì theo bà, không một quốc gia nào trên thế giới có thể tự mình giải quyết được cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Bà Merkel cũng cho rằng để đối phó với đại dịch nguy hiểm này, các nước trên thế giới cần nỗ lực hợp tác nhiều hơn nữa để có thể đưa ra các cơ chế cảnh báo sớm và những biện pháp phòng ngừa tốt hơn. Theo Thủ tướng Merkel, WHO là một tổ chức toàn cầu hợp pháp, do đó các quốc gia cần phải thường xuyên nghiên cứu cách thức cải thiện hơn nữa các quy trình trong tổ chức này. Thủ tướng Đức cũng bày tỏ sự tin tưởng thế giới sẽ sớm vượt qua đại dịch COVID-19.
Trước đó cùng ngày, phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi cần phối hợp "hài hòa" các quy định về phòng, chống COVID-19 trong Liên minh châu Âu (EU) để cho phép người dân các quốc gia trong khối được tự do đi lại. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh người dân vẫn cần phải nghiêm túc tuân thủ các quy định chung về giãn cách xã hội nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Phóng viên TTXVN tại Berlin đưa tin, Đức và Pháp ngày 18/5 đã đề xuất những trọng điểm cho quỹ tái thiết EU trị giá 500 tỉ euro nhằm giải quyết hậu quả về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đối với các nền kinh tế khu vực.
Theo đề xuất này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nhận khoản nợ 500 tỉ euro trên thị trường tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho các quốc gia bị ảnh hưởng nhất và nhiệm vụ của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen là thuyết phục các nước thành viên về dự án.
Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với nhà lãnh đạo Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định quỹ phục hồi nêu trên sẽ không phải dưới dạng các khoản cho vay mà là trợ cấp. Do đó, khoản tiền này sẽ không phải hoàn trả bởi các nước thụ hưởng. Theo Tổng thống Macron, các quỹ tái thiết nên dành cho "các ngành và khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất", như ngành du lịch của Ý có thể nhận được hỗ trợ trực tiếp.
Trong những phản ứng đầu tiên về đề xuất trên, Chủ tịch EC Von der Leyen đánh giá đề xuất này mang tính xây dựng, trong khi Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Olaf Scholz cũng hài lòng với đề xuất mới chỉ trong một thời gian ngắn sau các quyết định của nhóm Eurogroup.
Chuyên gia Lucas Guttenberg thuộc trường quản trị Hertie ở Berlin cũng nhận định đây là hướng đi đúng nhằm tài trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng thông qua các khoản nợ chung, bởi kế hoạch có thể giúp đạt được khối lượng cần thiết trong khi các nước thành viên không cần phải tăng đóng góp ồ ạt trong bối cảnh suy thoái do đại dịch.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đang triển khai chương trình kích thích kinh tế trị giá 641.170 tỉ rupiah (43 tỉ USD), lớn hơn khoản tiền được công bố trước đó, nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), cũng như các doanh nghiệp nhà nước (SOE).
Phát biểu tại họp báo ngày 18/5, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết chương trình phục hồi kinh tế quốc gia của Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường hỗ trợ cho mạng lưới an sinh xã hội, cấp các ưu đãi thuế, bơm vốn cho các SOE và miễn giảm lãi suất tín dụng cho các MSME. Theo bà Mulyani, các nỗ lực này nhằm mục đích kích thích cung - cầu để phục hồi kinh tế. Với quy mô của gói kích thích trên, dự kiến, thâm hụt ngân sách năm nay sẽ tăng lên mức 6,27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với kế hoạch ban đầu là 5,07% GDP.
Theo kế hoạch trên, chính phủ sẽ cứu trợ 12 SOE, chủ yếu dưới hình thức hoàn trả các chương trình trợ cấp và đầu tư vốn lưu động, nhằm giảm tác động của đại dịch. Các chủ thể được ưu tiên gồm Công ty Điện lực nhà nước PLN, Công ty Dầu khí Pertamina và Hãng Hàng không quốc gia Garuda. Bộ trưởng Mulyani nhấn mạnh rằng kế hoạch này sẽ hỗ trợ cho các SOE đóng “vai trò chiến lược,” đang bị ảnh hưởng của đại dịch.
Chính phủ cũng sẽ miễn giảm lãi suất, tổng trị giá 34.150 tỉ rupiah, cho khoảng 60 triệu khách hàng nhằm ứng phó với đại dịch. Ngoài ra, 87.590 tỉ rupiah sẽ dùng để hỗ trợ các chương trình tái cơ cấu nợ của cho các ngân hàng. Mạng lưới an sinh xã hội sẽ được cấp 172.100 tỉ rupiah, cao hơn nhiều so với kế hoạch trước đó là 110.000 tỉ rupiah. Quyết định tăng ngân sách dành cho mạng lưới an sinh xã hội được đưa ra dựa trên một dự báo của chính phủ, theo đó 1,89-4,89 triệu người sẽ rơi vào cảnh nghèo đói và 3-5,23 triệu người có thể bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch.
Ngoài ra, Bộ trưởng Mulyani cho biết thêm chính phủ tiếp tục miễn giảm tiền điện cho hộ gia đình có mức tiêu thụ điện 450 VA/tháng và giảm giá 50% cho khách hàng có mức tiêu thụ điện tới 900 VA/tháng đến tháng 9/2020. Đây là một trong những bước đi của chính phủ để duy trì mức tiêu dùng hàng ngày, một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, Indonesia đã cung cấp điện miễn phí trong 3 tháng (từ tháng 4) cho 24 triệu hộ gia đình có mức tiêu thụ điện 450 VA/tháng - mức thấp nhất trong bảng giá điện bậc thang gồm 6 mức theo quy định hiện hành, và giảm giá 50% giá điện trong 3 tháng cho 7 triệu hộ gia đình khác có mức tiêu thụ điện tới 900 VA/tháng.
Ngoài việc miễn giảm tiền điện cho các hộ gia đình, một chính sách khác được chính phủ đưa ra để duy trì mức tiêu dùng của người dân là tăng thời gian hỗ trợ tiền mặt thông qua Quỹ Làng xã (BLT) từ 3 tháng lên 6 tháng, cụ thể là đến tháng 9/2020. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ bổ sung giảm từ 600.000 Rp mỗi tháng từ tháng 4-6/2020, xuống còn 300.000 Rp từ tháng 7-9/2020. Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thực phẩm thiết yếu cho người dân đến tháng 12/2020.