Thủ tướng Đức Merkel điện đàm chia tay Chủ tịch Tập Cận Bình
Thủ tướng Angela Merkel đã nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm chia tay hôm thứ Tư (13/10), khi hai nhà lãnh đạo thảo luận về đại dịch, biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác.
Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về đại dịch, biến đổi khí hậu và nhân quyền trong một cuộc gọi điện trực tuyến. Ông Tập Cận Bình đã gọi bà Merkel là "người bạn của nhân dân Trung Quốc".
Thủ tướng Đức Merkel điện đàm chia tay Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua
Người phát ngôn chính phủ Đức Martina Fietz cho biết các nhà lãnh đạo đã nói về "sự chuẩn bị sắp tới cho hội nghị thượng đỉnh G20, các vấn đề biến đổi khí hậu và chống lại đại dịch, cũng như thỏa thuận đầu tư của Liên minh châu Âu với Trung Quốc".
Hai nhà lãnh đạo cũng khen ngợi rằng năm tới sẽ đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao chính thức giữa Đức và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trong cuộc gọi, ông Tập được cho là đã gọi bà Merkel là "người bạn của nhân dân Trung Quốc", theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN.
Bà Merkel sẽ rời ghế thủ tướng sau khi một chính phủ mới của Đức được thành lập sau các cuộc đàm phán liên minh. Ông Tập đã mời bà Merkel thăm Trung Quốc sau khi bà rời nhiệm sở.
Trong một sự kiện riêng vào hôm thứ Tư (13/10), bà Merkel kêu gọi các công ty Đức đa dạng hóa chiến lược kinh doanh của họ ở châu Á - Thái Bình Dương và không chỉ dựa vào Trung Quốc.
Bà Merkel nói với Ủy ban Kinh doanh Đức (APA): "Gần 50% hoạt động ngoại thương của Đức ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được hạch toán tại Trung Quốc. Chúng ta không nên bỏ qua rằng Châu Á - Thái Bình Dương không chỉ là Trung Quốc".
Roland Busch, Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ khổng lồ Siemens của Đức, cũng tham gia cuộc họp và đưa ra quan điểm tương tự rằng các công ty nên mở rộng tầm nhìn của mình ở châu Á.
Thương mại Đức-Trung đã bùng nổ kể từ khi bà nhậm chức vào năm 2005. Nhưng bà Merkel đã bị chỉ trích vì quá mềm mỏng với Trung Quốc trong nhiệm kỳ của mình.
Chính phủ Đức tiếp theo có thể thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Đảng Xanh, có thể tham gia vào liên minh cầm quyền tiếp theo, đã kêu gọi Đức lên tiếng nhiều hơn trong việc lên án các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Mỹ Anh (theo DW)