Thủ tướng Đức nêu giải pháp quan trọng để chấm dứt xung đột Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi nỗ lực ngoại giao lớn hơn để chấm dứt xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Getty

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Getty

Nhà lãnh đạo Đức hoan nghênh hội nghị hòa bình Ukraine gần đây do Ả Rập Saudi tổ chức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hội nghị thượng đỉnh về Ukraine ở Jeddah là một sự kiện "rất đặc biệt", đồng thời kêu gọi nỗ lực ngoại giao lớn hơn để chấm dứt xung đột đang diễn ra giữa Moscow và Kiev.

Theo đài RT, Thủ tướng Scholz đưa ra nhận xét trong cuộc phỏng vấn lớn hàng năm vào mùa Hè với đài truyền hình ZDF của Đức, được phát sóng vào 13/8. Nhà lãnh đạo Đức kêu gọi nỗ lực ngoại giao hơn nữa, cho rằng điều này sẽ thực sự hữu ích để "gây áp lực" cho Nga.

Ông Scholz nhắc đến một sự kiện ngoại giao tương tự do Đan Mạch tổ chức vào tháng 6, nói rằng các cuộc đàm phán này và hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine do Ả Rập Saudi tổ chức đều là những sự kiện “rất đặc biệt”. Ông nhấn mạnh: “Chúng rất quan trọng và thực sự chỉ là bước khởi đầu".

Hội nghị hòa bình ở Jeddah, nơi tập hợp các cố vấn an ninh và các nhà ngoại giao cấp cao từ các quốc gia tham gia, chưa mang lại bất kỳ kết quả có ý nghĩa nào. Trên thực tế, đại diện gần 40 quốc gia tham gia chỉ đồng ý rằng Hiến chương Liên hợp quốc cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cần được tôn trọng.

Moscow không ủng hộ cuộc đàm phán hòa bình Ukraine do Ả Rập Saudi chủ trì. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố các cuộc thảo luận về khủng hoảng Ukraine sẽ không mang lại giải pháp nào nếu không có sự tham gia của Nga và không tính đến lợi ích của nước này.

Liên quan đến việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong tương lai và đặc biệt là việc sắp chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus, Thủ tướng Đức không đưa ra câu trả lời trực tiếp.

“Giống như trong quá khứ, chúng tôi sẽ luôn cân nhắc kỹ từng quyết định, điều gì có thể xảy ra, điều gì có ý nghĩa và điều gì có thể mang lại các lợi ích" - ông Scholz cho hay.

Không giống như nhiều nước phương Tây, Đức từ lâu đã phản đối yêu cầu cung cấp khí tài quân sự hiện đại cho Ukraine. Tuy nhiên, tình hình thay đổi vào đầu năm nay, khi Berlin nhượng bộ và đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, cũng như cho phép các bên thứ ba tái xuất các phương tiện quân sự do Đức sản xuất sang Ukraine.

Trong một diễn biến khác, tờ The Times đưa tin hôm 12/8, dẫn lời một sĩ quan Mỹ giấu tên cho biết NATO đã quá lạc quan về khả năng giành lại lãnh thổ của quân đội Ukraine trước cuộc phản công vào mùa hè. Tờ báo Anh lưu ý rằng các quan chức ở Kiev đã bắt đầu đổ lỗi cho những người ủng hộ phương Tây về sự thiếu kiên quyết của họ.

Theo The Times, cả Nga và Ukraine hiện tại đều không thể đạt được bất kỳ bước tiến quyết định nào, và Ukraine hiện đang coi việc kiểm soát được các ngôi làng riêng lẻ là một dấu hiệu thành công.

Tờ báo Anh kết luận rằng nếu không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp, cuộc xung đột có thể sẽ tiếp tục trong thời gian dài.

Ukraine đang chịu sức ép hòa đàm với Nga vào mùa Thu

Theo RT, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba mới đây nhận định, nhiều nước trên thế giới sẽ đưa ra các lời kêu gọi mạnh mẽ hơn về việc đàm phán hòa bình với Nga vào mùa Thu tới.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: Getty

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: Getty

"Tôi lo rằng một mùa Thu khó khăn về chính trị đang ở trước mắt. Chúng tôi nhất định sẽ thắng trên mọi mặt trận, nhưng mùa Thu tới sẽ khá khó khăn”- Ngoại trưởng Kuleba cho biết khi trả lời phỏng vấn báo chí Ukraine hôm 12/8.

Khi được hỏi "mùa Thu khó khăn" có nghĩa là gì, ông Kuleba giải thích có nhiều hội nghị thượng đỉnh quốc tế dự kiến diễn ra vào mùa Thu tới và các tiếng nói kêu gọi hòa đàm sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khuôn khổ pháp luật quốc tế và luật hình sự để những tiếng nói này biến mất" - ông Kuleba khẳng định.

Hồi tháng 3/2022, Ankara đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine tại cung điện Dolmabahce ở Istanbul. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã không đạt được kết quả mong đợi. Hai bên đổ lỗi lẫn nhau vì sự bế tắc của hòa đàm.

Ukraine đặt ra một số điều kiện trước khi quay lại bàn đàm phán, bao gồm Nga phải rút quân và từ bỏ các vùng lãnh thổ đã sáp nhập trước đây. Trong khi đó, phía Nga từng khẳng định các phương án hòa bình chỉ có thể được thực hiện dựa trên sự công nhận của Ukraine đối với các vùng Moscow tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022.

Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định trong thời gian tới, Ukraine và Nga chưa có khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện vì hai bên đều kỳ vọng mình có thể thắng.

Kể từ cuộc xung đột bùng nổ vào ngày 24/2/2022, phương Tây đã viện trợ nguồn tài chính khổng lồ và nhiều loại vũ khí hiện đại cho Ukraine, riêng Mỹ đã hỗ trợ khoảng 100 tỷ USD. Moscow đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây ngừng “bơm” vũ khí cho Ukraine, đồng thời khẳng định điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột hiện tại.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thu-tuong-duc-neu-giai-phap-quan-trong-de-cham-dut-xung-dot-ukraine.html