Thủ tướng Đức và Tổng thống Ukraine điện đàm về vấn đề hỗ trợ quân sự

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski cho biết ông và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thảo luận về hợp tác quốc phòng và ông đã thông báo những nhu cầu ưu tiên phòng thủ của Ukraine.

Binh sỹ Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Binh sỹ Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski ngày 14/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đảm bảo rằng các đối tác quốc tế của nước này sẽ hợp tác chặt chẽ về hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Người phát ngôn của Chính phủ Đức cho biết cuộc điện đàm trên diễn ra một ngày trước cuộc gặp giữa ông Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại Berlin trong ngày 15/3 để thảo luận về viện trợ cho Ukraine.

Về phần mình, ông Zelenski cho biết ông và nhà lãnh đạo Đức đã thảo luận về hợp tác quốc phòng và ông đã thông báo những nhu cầu ưu tiên phòng thủ của Ukraine.

Cho đến nay, Thủ tướng Scholz vẫn từ chối lời kêu gọi cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Taurus, cho rằng quân đội Đức cần phải tham gia để giúp vận hành loại tên lửa tầm xa này và điều đó có thể dẫn đến leo thang xung đột quốc tế.

Thủ tướng Scholz khẳng định: “Đó là ranh giới mà tôi không muốn vượt qua tư cách là Thủ tướng."

Cùng ngày 14/3, Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) một lần nữa phủ quyết đề nghị chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine.

Được coi là một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất của Đức, Taurus là tên lửa phóng từ trên không có tầm hoạt động trong khoảng 500km. Tên lửa di chuyển với tốc độ gần bằng tốc độ âm thanh và bay ở độ cao chỉ 35m khiến các hệ thống radar khó phát hiện.

Trong diễn biến khác, tập đoàn chế tạo vũ khí Rheinmetall của Đức cho biết đang lên kế hoạch xây dựng ít nhất 4 nhà máy vũ khí ở Ukraine với mục tiêu đạt doanh thu kỷ lục 10 tỷ euro (10,9 tỷ USD) trong năm nay.

Theo Rheinmetall, các nhà máy tại Ukraine sẽ sản xuất đạn pháo, xe quân sự, thuốc súng và vũ khí phòng không.

Rheinmetall có trụ sở tại Duesseldorf, chuyên sản xuất các bộ phận của xe tăng Leopard, phương tiện mà Berlin đồng ý có thể chuyển giao cho Ukraine sau nhiều do dự. Tập đoàn này đã báo cáo doanh thu kỷ lục 7,2 tỷ euro trong năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu 10 tỷ euro trong năm 2024.

Cũng liên quan đến việc hỗ trợ Ukraine, Đại sứ quán Thụy Điển tại Prague ngày 14/3 thông báo quốc gia Bắc Âu này sẽ tài trợ 30 triệu euro cho sáng kiến của Cộng hòa Séc để mua đạn dược cho Ukraine từ các nước thứ 3.

Mới đây, Thụy Điển cũng đã công bố gói viện trợ thứ 15 - gói lớn nhất của nước này dành cho Ukraine - với giá trị khoảng 683 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-duc-va-tong-thong-ukraine-dien-dam-ve-van-de-ho-tro-quan-su-post934743.vnp