Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed và tương lai của Ethiopia

Ông Abiy Ahmed - Thủ tướng Ethiopia đã tuyên chiến tới cùng với nhóm dân quân ở khu vực miền Bắc Tigray. Điều gì khiến cho người đoạt giải Nobel Hòa bình năm ngoái phát động chiến tranh, tạo nên cuộc khủng hoảng mới ở đất nước đông dân thứ hai châu Phi?

Người dân Ethiopia tuần hành ủng hộ quân đội nước này ở Thủ đô Addis Ababa

Người dân Ethiopia tuần hành ủng hộ quân đội nước này ở Thủ đô Addis Ababa

Bên bờ vực nội chiến

Ngày 17-11, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết, tối hậu thư buộc các lực lượng Mặt trận giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) thuộc vùng Tigray phải đầu hàng đã hết thời hạn. Cùng ngày, quân đội Ethiopia đã tiến hành các chiến dịch không kích vào các vị trí ở bên ngoài thủ phủ Makelle của Tigray.

Trước đó, hôm 4-11, Thủ tướng Ahmed, chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2019, đã ra lệnh triển khai hoạt động quân sự ở Tigray với lý do TPLF đã tấn công vào căn cứ của quân đội liên bang. Vùng Tigray dọc theo biên giới với Eritrea và Sudan là quê hương của các dân tộc Tigrayan, Irob và Kunama. Theo hiến pháp Liên bang Ethiopia, vùng này được hưởng quy chế tự trị, nhưng quan hệ giữa các nhóm dân tộc địa phương và Thủ đô Addis Ababa luôn căng thẳng. Ban lãnh đạo của vùng phía Bắc này trong nhiều năm qua đã thách thức chính quyền trung ương, họ có một đội quân riêng được huấn luyện chuyên nghiệp lên tới hàng trăm nghìn người. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi ông Abiy hoãn các cuộc bầu cử quốc gia cho đến năm sau do đại dịch nhưng vùng Tigray tiếp tục tổ chức cuộc bỏ phiếu địa phương của riêng mình vào tháng 9-2020.

Các cơ quan Liên hợp quốc cảnh báo, cần chuẩn bị cho khả năng 200.000 người phải di cư sang nước láng giềng Sudan để chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh và không kích ở Tigray. Như vậy là sau gần 3 tuần giao tranh chết chóc giữa chính phủ liên bang và lực lượng ở Tigray, Ethiopia đang đứng trên bờ vực của cuộc nội chiến kéo dài và đẫm máu.

Trọng trách của nhà lãnh đạo trẻ

Lên nắm quyền trong một làn sóng lạc quan vào tháng 4-2018, Thủ tướng Abiy Ahmed là nhà lãnh đạo trẻ nhất châu Phi (41 tuổi) và là vị Thủ tướng đầu tiên xuất thân từ khu vực Oromia vốn được kỳ vọng sẽ thực hiện nhiều biện pháp cải cách triệt để. Việc bổ nhiệm Abiy (vốn là cựu trung tá quân đội, người sáng lập Cơ quan An ninh và thông tin, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) được coi là rất quan trọng trong việc dập tắt tình trạng bất ổn ở nước này.

“Ethiopia gặp phải rất nhiều vấn đề trước khi Abiy trở thành Thủ tướng, mà nguyên nhân chính là việc chính phủ không thể đưa ra những lời hứa đưa đất nước phát triển. Ông Abiy đã tận dụng sân chơi chính trị đó và hứa sẽ hàn gắn những chia rẽ trong đất nước, chống tham nhũng. Ông ấy đã nổi lên như một ngọn hải đăng hy vọng cho tất cả người dân Ethiopia vào thời điểm đó” - Daniel Mulugeta, chuyên gia về Ethiopia tại Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi tại London cho biết.

Tuy nhiên, những kế hoạch đó vẫn chưa thúc đẩy được nền kinh tế của đất nước đa dạng về sắc tộc, đông dân thứ hai ở châu Phi với 110 triệu người. Các nhà phân tích cho rằng, sự ủng hộ của ông Abiy đã bắt đầu suy yếu trong bối cảnh căng thẳng sắc tộc gia tăng, đói nghèo dai dẳng và những tác động gần đây của nạn lũ lụt, châu chấu và dịch Covid-19. Bởi vậy, thời điểm hiện tại, Thủ tướng Ethiopia đang mất dần sự ủng hộ, thậm chí những người theo chủ nghĩa dân tộc thiểu số đã cáo buộc bị ông đối xử không công bằng. Điển hình là TPLF, họ cáo buộc ông Abiy loại trừ người Tigray khỏi các vị trí lãnh đạo cấp cao, cả trong quân đội và an ninh.

Chắc chắn xung đột Tigray sẽ làm phức tạp thêm tương lai của đất nước Ethiopia. Chiến tranh có khả năng tăng cường sức mạnh cho ông Abiy, nhưng nó sẽ tạo ra sự phân cực hơn nữa. Giới quan sát cho rằng, ông Abiy phải thay đổi phong cách nắm quyền của mình để có những cuộc đối thoại toàn diện hơn, tập trung phát triển mạnh về kinh tế để hàn gắn những chia rẽ đang gia tăng, cũng như chuyển đổi một cách hòa bình sang nền dân chủ như mọi người đã mơ ước cách đây 2,5 năm.

(Theo Al Jazeera)

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-tuong-ethiopia-abiy-ahmed-va-tuong-lai-cua-ethiopia-post450736.antd