Thủ tướng: Gỡ 3 điểm nghẽn trong đầu tư công

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải giải quyết cho được ba điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gồm: vốn đọng, nợ (thanh toán) đọng và thủ tục đọng.

Ngày 16-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công.

Có tiền mà tiêu không được

Tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết trong sáu tháng đầu năm mức tăng trưởng cả nước thấp, nguyên nhân chính do các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư nhà nước đều chậm, thấp so với kế hoạch vạch ra.

“Đầu tư công là một trong các cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, đầu tư thì giải quyết thu nhập cho người lao động, đầu tư góp phần cho tăng trưởng” - Thủ tướng nói và cho biết theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.

Từ đó, Thủ tướng cho rằng trách nhiệm Chính phủ, các địa phương trong cả nước rất lớn, phải tập trung giải ngân đầu tư công gần 28 tỉ USD, tương đương với 633.000 tỉ đồng.

“Tại sao những địa phương cùng cơ chế, chính sách ấy mà họ đầu tư giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương rất ỳ ạch?”. Thủ tướng hỏi tiếp và cho rằng nguyên nhân là do bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung.

Theo người đứng đầu Chính phủ, phải giải quyết cho được “ba cái đọng”, “ba điểm nghẽn”. Thứ nhất là vốn đọng, không được để vốn đọng, có tiền đó mà không tiêu được. Thứ hai là không để nợ đọng, tức là hạng mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”. Thứ ba là thủ tục đọng, một vấn đề phổ biến hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

Phải sờ gáy, quy trách nhiệm người đứng đầu

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới đây không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người. “Từ công trình mà giải quyết tiền lương, từ công trình mà giải quyết vật liệu, từ công trình mà giải quyết việc làm cho hàng triệu người” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu vấn đề có nhiều địa phương, ngành làm tốt, năng động, quyết liệt, cụ thể nhưng còn một số bộ, ngành, địa phương trì trệ, chưa biết làm việc, không quyết tâm, không chỉ đạo hệ thống vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai các dự án. Ví dụ về Tiền Giang, tỉnh cam kết thông xe đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm nay. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đối thoại với hàng trăm hộ dân trong diện phải giải tỏa, di dời. Một công trình trì trệ trong 5-7 năm trước thì bây giờ, trong vòng một năm đã làm được. Hay Bộ GTVT cũng cam kết bảo đảm giải ngân 100% số vốn được giao, trừ một số công trình cao tốc, phấn đấu giải ngân tối thiểu 70%.

“Phải sờ gáy những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc, chứ chỉ nói chung chung thì khó có thể nêu cao tinh thần trách nhiệm. Động viên là cần thiết nhưng phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, cán bộ trực tiếp thì mới hy vọng có sự chuyển biến tình hình” - Thủ tướng nhắc nhở.

Từ tháng 8, không biết tiêu sẽ bị điều chuyển vốn

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành, địa phương mình. Chương trình ấy viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ và gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. “Các tỉnh, thành, ngành phải lo việc tiêu tiền trên mảnh đất của mình, trên lĩnh vực, ngành mình quản lý” - Thủ tướng nói.

Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân nguồn vốn trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý. Trước hết phải xử lý các ách tắc trong từng địa phương, từng ngành và từ đó đưa ra những biện pháp cần thiết. Từng bộ, từng ngành phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tỉnh; tỉnh kiểm tra, đôn đốc huyện, xã. Trung ương kiểm tra một số bộ, ngành trọng điểm.

Về vấn đề thủ tục, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành ở trung ương phải tạo mọi điều kiện cho địa phương, tiếp tục phân cấp, giao quyền công khai, minh bạch. “Tới Bộ TN&MT, tới Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT thì bao nhiêu ngày phải giải quyết xong, chứ không để tình trạng là hồ sơ ngâm quá một tuần” - Thủ tướng nói.

Bên cạnh công khai, minh bạch, Thủ tướng lưu ý vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng cơ bản; xác định rõ trách nhiệm và đảm bảo tiến độ thời gian thanh quyết toán dự án.

Cán bộ co lại sau thanh tra, kiểm tra

Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng tình trạng giải ngân đầu tư công trì trệ kéo dài do hai điểm nghẽn chính là trình tự thủ tục kéo dài và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Với khâu giải phóng mặt bằng, ông cho rằng trách nhiệm chính là của lãnh đạo, người đứng đầu thiếu quyết liệt, chưa tập trung phân công, chỉ đạo. Theo ông, thời gian qua, nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý sau thanh tra, kiểm tra khiến một số cán bộ co lại. Từ đó, ông Bình đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Ông cũng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành có hành động cụ thể, phù hợp để đẩy tiến độ giải ngân các công trình, dự án có vốn đầu tư công.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-go-3-diem-nghen-trong-dau-tu-cong-924674.html