Thủ tướng gợi mở hướng xử lý dự án mỏ sắt tạm dừng hơn 10 năm tại Hà Tĩnh
Trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê tại huyện Thạch Hà sau hơn 10 năm tạm dừng dự án và đưa ra những định hướng phát triển toàn diện kinh tế - xã hội cho tỉnh.
Không hy sinh công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế
Sáng 11/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê tại huyện Thạch Hà sau hơn 10 năm tạm dừng dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt tại đây, đồng thời khảo sát thực tế khả năng phát triển du lịch biển trong khu vực.
Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng quặng trên 544 triệu tấn, được coi là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 1/2 trữ lượng quặng sắt cả nước.
Trước đó, dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) thuộc Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Tháng 9/2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ.
Tuy nhiên, quá trình bóc đất tầng phủ đã xuất hiện những bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và đối mặt với những khó khăn tài chính. Đến tháng 11/2011, dự án phải tạm dừng để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.
Theo báo cáo của địa phương, khu vực này cũng có tiềm năng rất thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là du lịch biển và du lịch tâm linh. Địa phương đang đứng trước lựa chọn phát triển du lịch hay khai thác quặng sắt.
Tại hiện trường, Thủ tướng đã nghe đại diện các bên báo cáo về các vấn đề liên quan tới dự án. Hiện các bên liên quan vẫn có các ý kiến khác nhau về phương án xử lý trong thời gian tới. Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, việc dự án đã tạm dừng từ lâu nhưng chưa có phương án xử lý hiệu quả dẫn tới nhiều tồn đọng, phát sinh liên quan chưa được giải quyết.
Theo Thủ tướng, dự án mỏ sắt Thạch Khê với 7.000 hộ dân trong vùng dự án sau 14 năm triển khai đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập, đang tạm dừng, nhà đầu tư không biết làm tiếp hay không, người dân không biết ở hay đi.
Gợi mở hướng xử lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với các vấn đề càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá tổng thể về các vấn đề kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân, bảo đảm môi trường… cả trước mắt và lâu dài trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, cơ sở lòng dân, lắng nghe ý kiến các chủ thể liên quan, các nhà khoa học và người dân, đưa ra các kết luận chính xác, lựa chọn phương án phù hợp, khả thi nhất, có lợi nhất, nhanh chóng có quyết sách, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan.
Phát huy tối đa trí tuệ tập thể làm nội lực cơ bản
Cùng trong ngày 11/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2021, 5 tháng đầu năm 2022, những định hướng, nhiệm vụ thời gian tới và các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Theo báo cáo của tỉnh, năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hà Tĩnh khoảng 5,02% (xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4 khu vực Bắc Trung bộ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 65,2 triệu đồng.
Sản xuất công nghiệp phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất toàn ngành ước tăng gần 17% so với năm 2020. Sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện; lúa vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu 2021 liên tiếp được mùa, năng suất và sản lượng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7%; nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50%.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng
"Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh dài 103 km; phải giải phóng mặt bằng 1.000 ha, cần xây dựng 24 khu tái định cư để di dời gần 800 hộ dân. Tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 20/11/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng".
Thu ngân sách năm 2021 đạt gần 17.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, trong đó thu nội địa trên 9.300 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu gần 7.600 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao.
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh tiêu biểu của cả nước có phương pháp, cách làm chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới (có 173/182 xã (tỷ lệ 95%) đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới).
Riêng 5 tháng đầu năm 2022, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 8.600 tỷ đồng, bằng 53% dự toán, tăng 53% so với cùng kỳ. Thành lập doanh nghiệp mới tăng 22% về số lượng, 43% về số vốn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, dành nhiều thời gian phân tích, làm rõ về những những thế mạnh rất hiếm nơi có được, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và những định hướng lớn thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị
“Hà Tĩnh là vùng đất ‘địa linh, nhân kiệt’, cần tập trung phải phát huy, khai thác tối đa trí tuệ tập thể, bản lĩnh, ý chí vượt khó đi lên bằng nội lực, tinh thần đoàn kết, thống nhất của người Hà Tĩnh, đây là nguồn lực quan trọng nhất”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Tĩnh phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo trong bối cảnh thực tiễn diễn biến rất nhanh, nhiều vấn đề nổi lên cần có giải pháp ngay như đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng.
Đồng thời, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Hà Tĩnh phấn đấu cân đối được ngân sách vào năm 2024. Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ nguồn lực của Trung ương, phát huy vai trò chủ động của nguồn lực địa phương, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội để tăng cường đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng chiến lược. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có tác động lan tỏa.