Thủ tướng Hà Lan sẵn sàng đón nhận chức vị mới

Trong cuộc họp báo hôm 13-6, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb hé lộ, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan Mark Rutte có thể sẽ trở thành Tổng thư ký tiếp theo của NATO - Liên minh mà Tổng thống Mỹ gọi là 'cam kết thiêng liêng'.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan Mark Rutte

Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan Mark Rutte

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 13-6 đã đến Phần Lan để hội đàm với Tổng thống Alexander Stubb và Thủ tướng Petteri Orpo về an ninh châu Âu. Tổng thống Phần Lan sau đó nói với các phóng viên, ông Rutte có khả năng trở thành Tổng thư ký tiếp theo của khối quân sự do Mỹ lãnh đạo.

Tổng thư ký hiện tại của NATO Jens Stoltenberg sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 10-2024 và Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan Mark Rutte được cho là người kế nhiệm được ưu tiên hơn, do đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên trong khối. Theo quy định của NATO, vị trí Tổng thư ký phải được quyết định “bằng sự đồng thuận”, nghĩa là ông Rutte cần sự ủng hộ của tất cả các thành viên khối.

Tuy nhiên, một số quốc gia NATO, đặc biệt là Hungary, luôn phản đối quan điểm của khối này trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù vậy, truyền thông Hà Lan trong tuần vừa rồi đưa tin, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang tiến gần hơn đến việc ủng hộ ông Rutte, có lẽ bởi đã nhận được sự đảm bảo Hungary sẽ không bị yêu cầu gửi quân đến Ukraine hoặc tài trợ cho cuộc xung đột với Nga.

Có thể nói, ông Mark Rutte là một trong những nhà lãnh đạo bảo thủ kỳ cựu còn lại của châu Âu. Ông lên nắm quyền vào năm 2010, sau khi đã làm việc nhiều năm cho người tiền nhiệm Jan Peter Balkenende. Giai đoạn những năm 2010 và đầu những năm 2020, châu Âu chứng kiến sự sụp đổ, hoặc ít nhất là sự suy giảm về sự nghiệp và di sản của hầu hết các ngôi sao chính trị thuộc nhóm bảo thủ.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thua ông François Hollande trong cuộc bầu cử vào mùa xuân năm 2012. Thủ tướng Anh David Cameron năm 2016 từ chức tại số 10 phố Downing sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu. Năm 2023, chính trị gia kỳ cựu của Ý là Silvio Berlusconi qua đời ở Milan.

Năm 2021, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng rời chính trường, kết thúc kỷ nguyên 16 năm liền là lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Nhưng trước lúc đó, bà Merkel có lẽ đã đưa ra quyết định quan trọng nhất đối với bất kỳ nhà lãnh đạo bảo thủ phương Tây nào trong nhiều thập kỷ: Tiếp nhận 1 triệu người tị nạn vào giữa những năm 2010. Điều này đã gây xáo trộn và chia rẽ không chỉ ở Đức mà khắp châu Âu. Nhưng ở một góc khác, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tránh được mọi ồn ào này. Ông Rutte giống như hiện thân của một Hà Lan đầy thận trọng và năng lực thầm lặng suốt 13 năm qua.

Nhà lãnh đạo người Hà Lan được NATO coi là ứng cử viên hàng đầu. Ông cao 1,94m, có vẻ lạnh lùng nhưng quyến rũ, giao thiệp tốt và đến từ một quốc gia không quá lớn cũng không quá nhỏ. Lập trường của ông đối với Nga cũng vậy, không quá mềm mỏng mà cũng không quá cứng rắn. Ở quê nhà, ông Rutte sắp kết thúc 14 năm nắm quyền khiến ông trở thành Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Hà Lan và là nhà lãnh đạo tại vị lâu thứ hai ở châu Âu sau Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Mặc dù được biết đến vì khả năng né tránh hiểm họa chính trị, Thủ tướng Mark Rutte đã tuyên bố từ chức vào năm ngoái trước cuộc bầu cử mà chính trị gia cực hữu Geert Wilders chiếm vị trí đầu tiên.

Thủ tướng tại vị lâu nhất của Hà Lan này đã có mối quan hệ tốt với nhiều nhà lãnh đạo Anh, Liên minh châu Âu và Mỹ trong nhiệm kỳ của mình. Được biết, sau khi từ chối vị trí lãnh đạo NATO trong những năm trước, tháng 10-2023 ông Rutte nói với truyền thông Hà Lan rằng, điều hành liên minh quân sự là một công việc “rất thú vị” và ông sẽ sẵn sàng đón nhận triển vọng này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-tuong-ha-lan-san-sang-don-nhan-chuc-vi-moi-post579805.antd