Bước ngoặt quyết định của Mỹ không giúp Ukraine vô hiệu hóa lợi thế của Nga

Việc cho phép Ukraine nhắm vào các mục tiêu ở Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp đã làm giảm các cuộc tấn công tên lửa vào Kharkov nhưng không ngăn chặn được các chiến đấu cơ triển khai bom lượn với khả năng phá hủy cao của đối phương.

Bước ngoặt quyết định của Mỹ vẫn hạn chế khả năng Ukraine

Chính sách mới của Mỹ cho phép Ukraine sử dụng một số vũ khí nhất định của Washington tấn công lãnh thổ Nga đã dẫn đến việc giảm một số cuộc tấn công của Moscow nhưng việc Washington vẫn hạn chế phạm vi khiến Kiev không thể tấn công các sân bay quan trọng của đối phương, hai quan chức Ukraine cho hay. Những sân bay đó được các chiến đấu cơ Nga sử dụng để thả những quả bom lượn sát thương gây thiệt hại lớn cho các vị trí quân sự của Ukraine.

Binh lính Ukraine chuẩn bị khai hỏa lựu pháo về phía quân đội Nga ở làng Lyptsi. Ảnh: Reuters

Binh lính Ukraine chuẩn bị khai hỏa lựu pháo về phía quân đội Nga ở làng Lyptsi. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tá Charlie Dietz khẳng định: "Mỹ đã đồng ý cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp tấn công vào Nga - những vị trí mà các lực lượng của Moscow đang sử dụng để cố gắng chiếm lãnh thổ của Ukraine".

Ukraine cũng được phép sử dụng các hệ thống phòng không do Mỹ cung cấp để tấn công chiến đấu cơ Nga "nếu họ chuẩn bị bắn vào không phận Ukraine", ông Dietz nói.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng nhấn mạnh quan điểm này trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên PBS rằng: "Đây không phải là vấn đề địa lý. Đó là lẽ thường. Nếu Nga đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công từ lãnh thổ của mình vào Ukraine thì việc cho phép Kiev đáp trả các lực lượng đang tấn công từ bên kia biên giới là điều hợp lý".

Trong khi các quan chức ở Kiev không muốn bị coi là công khai mâu thuẫn với phía Mỹ thì rõ ràng quân đội Ukraine không tin rằng họ có nhiều quyền hạn như tuyên bố từ các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Kết quả các cuộc tấn công của Ukraine trong 3 tuần kể từ khi Washington chấp thuận yêu cầu của Kiev về việc sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga đã chứng thực cho mô tả của Ukraine về phạm vi hạn chế đáng kể.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington ghi nhận trong tháng này rằng, chính sách của Mỹ khi hạn chế Ukraine sử dụng các vũ khí của nước này tấn công vào lãnh thổ Nga đã tạo ra một không gian an toàn rộng lớn mà Moscow khai thác để bảo vệ các lực lượng chiến đấu, các cơ quan chỉ huy và kiểm soát, cơ sở hậu cần cũng như cơ quan hỗ trợ ở hậu phương mà quân đội nước này sử dụng để tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Một quan chức quốc phòng Ukraine nhận định, việc cho phép sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công bên trong lãnh thổ Nga "chắc chắn đã thay đổi mọi thứ. Đối phương rõ ràng đã cảm nhận được điều đó, đặc biệt là ngay trên tiền tuyến". Tuy nhiên, quan chức này cho rằng: "Cả tầm bắn lẫn loại vũ khí đều không đủ".

Trong báo cáo của mình, ISW cho biết việc nới lỏng các hạn chế của Mỹ tại các khu vực gần Kharkov đã làm giảm chỉ 15% "khu vực an toàn trên mặt đất" của Nga - khu vực vẫn nằm ngoài tầm bắn của vũ khí Mỹ, do đó, về cơ bản vẫn bảo toàn lợi thế quân sự của Moscow.

Lợi thế của Nga vẫn chưa bị vô hiệu hóa hoàn toàn

Trong cuộc xung đột tiêu hao, ISW cho rằng phương Tây và Ukraine cần hành động nhiều hơn nữa để giảm bớt lợi thế của Nga.

"Sự thay đổi chính sách của Mỹ, mặc dù là một bước đi đúng hướng nhưng bản thân nó lại không thỏa đáng và không thể làm gián đoạn các hoạt động của Nga trên quy mô lớn", ISW nhận định.

Tên lửa ATACMS. Ảnh: Reuters

Tên lửa ATACMS. Ảnh: Reuters

Các quan chức địa phương cho biết kể từ khi Mỹ thay đổi chính sách, Kharkov - thành phố lớn thứ hai Ukraine đã có thời gian yên ổn sau nhiều tháng đối mặt với các cuộc tấn công tên lửa dồn dập.

Theo ISW, một đoạn video hồi đầu tháng 6 từ khu vực Belgorod của Nga ngay bên kia biên giới dường như cho thấy một cuộc tấn công của Ukraine, sử dụng hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp, nhắm vào hệ thống S-300/400 của Nga.

Thị trưởng Kharkov Ihor Terekhov tiết lộ việc tấn công vào các điểm phóng S-300 và S-400 đã làm giảm số cuộc tấn công tên lửa vào Kharkov từ ngày 25/5 xuống còn 0 trong tháng này. Ông Terekhov nói: "Tình hình đã thay đổi mạnh mẽ" trong thành phố, cách biên giới Nga chỉ 30km - khi các lệnh hạn chế của Mỹ được dỡ bỏ”.

Tuy nhiên, Thị trưởng Terekhov cho biết thành phố vẫn thường xuyên bị đe dọa bởi bom lượn - loại vũ khí thời Liên Xô được điều chỉnh mà Nga triển khai từ chiến đấu cơ.

Những quả bom này có thể nặng hàng nghìn kg và được trang bị hệ thống dẫn đường. Chúng thường được thả từ khoảng cách hơn 40km phía sau biên giới Nga nhưng các máy bay cất cánh từ các căn cứ ở xa hơn, ngoài phạm vi tấn công được Mỹ chấp thuận.

Tổng thống Zelensky vào tháng trước cho biết Nga đã thả hơn 3.200 quả bom xuống Ukraine chỉ riêng trong tháng 5. Các hệ thống phòng không Ukraine phải chật vật để đánh chặn những quả bom này.

Ukraine đang chờ đợi lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất có thể giúp hạn chế khả năng triển khai bom của Nga. Kiev cũng đang phát triển những quả bom như vậy để tấn công các vị trí của Nga mặc dù chưa rõ hiệu quả của chúng.

Tuy nhiên, hiện tại, các quan chức cho rằng việc Ukraine không có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công bằng bom lượn của Nga là thiếu sót chính trong sự thay đổi chính sách của Mỹ.

Trong hơn 2 năm, chính quyền Tổng thống Biden đã từ chối cho Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong Nga với lý do lo ngại về xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga. Thay vào đó, Ukraine chỉ được sử dụng các vũ khí này để nhắm vào các mục tiêu ở lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine.

Các quy tắc đã thay đổi vào tháng trước sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công mới qua biên giới vào khu vực Kharkov. Ukraine cố gắng ngăn chặn Nga chiếm các vùng lãnh thổ quan trọng nhưng các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, ngay cả theo các quy định mới, Tổng thống Biden vẫn từ chối bật đèn xanh cho việc sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ, chẳng hạn như ATACMS, khiến Ukraine tiếp tục phải dựa vào máy bay không người lái sản xuất nội địa để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Thị trưởng Terekhov cho biết, bất chấp sự cải thiện tương đối, thành phố Kharkov cần tăng cường các hệ thống phòng không để đối phó với các cuộc tấn công bằng bom lượn.

Các quan chức quân sự Ukraine thừa nhận sự thay đổi chính sách đã tạo khác biệt đáng kể cho cuộc sống ở Kharkov nhưng cho biết điều này không bảo vệ các vị trí quân sự của Ukraine khỏi các cuộc tấn công thường xuyên bằng bom lượn.

Theo Thiếu tá Nadiia Zamryha - sĩ quan báo chí của Lữ đoàn 14, quân đội chiến đấu gần Kupyansk ở phía Đông Bắc vùng Kharkov tiếp tục bị tấn công thường xuyên từ tên lửa phòng không, bom lượn và tên lửa không dẫn đường.

Sự thay đổi của ông Biden cho phép Ukraine nhắm vào "các khu vực tập trung thiết bị và các địa điểm tiến hành các cuộc tấn công tên lửa trên lãnh thổ Ukraine, không một tên lửa S-300 nào bắn trúng Kharkov. Đây là sự thật", Denys Yaroslavsky, Chỉ huy tiểu đoàn trinh sát thuộc Lữ đoàn 57 Ukraine cho hay, song ông cũng nhận định: "Dù vậy, điều này không làm thay đổi đáng kể tình hình trực tiếp ở tiền tuyến".

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Washington Post

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/buoc-ngoat-quyet-dinh-cua-my-khong-giup-ukraine-vo-hieu-hoa-loi-the-cua-nga-post1103158.vov