Thủ tướng họp khẩn chỉ đạo ứng phó bão số 4 sắp đổ bộ vào đất liền
Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, tăng 2 cấp so với dự báo trước đó, sáng 27/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (bão Noru). Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.
Không được chủ quan, để bị động, bất ngờ trong ứng phó với bão số 4
Sau khi lắng nghe các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình cụ thể, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, theo dự báo của các cơ quan chức năng, cơn bão số 4 diễn biến phức tạp, tăng 2 cấp so với ngày hôm qua, cường độ mạnh, di chuyển nhanh trong khi khả năng ứng phó còn có những hạn chế.
Thủ tướng nhất trí với quan điểm công tác phòng, chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” đối với cơn bão số 4 để không bị động. Vì có sự chủ động, nếu chuẩn bị tốt thì khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến thì vẫn bảo đảm an toàn, ngược lại nếu bão đổ bộ mạnh hơn dự kiến mà không chuẩn bị tốt thì thiệt hại sẽ lớn.
Những ngày qua, các địa phương đã hướng dẫn gần 58.000 tàu thuyền với khoảng 300.000 lao động di chuyển, tránh trú; gia cố, di dời 4.500 lồng bè thủy sản; rà soát, lên kế hoạch và tiến hành sơ tán trên 100.000 hộ với gần 400.000 dân tại các vùng nguy cơ cao.
Để ứng phó với bão số 4, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Vừa phòng tốt, vừa chống đỡ có hiệu quả với phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Thủ tướng yêu cầu, thời gian không còn nhiều, các bộ, ngành, địa phương liên quan từ tỉnh tới cấp huyện, cấp xã phải rà soát lại và tiếp tục triển khai ngay các công việc. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo chính xác nhất có thể, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan, người dân.
Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, đình hoãn các cuộc họp không cấp bách để tập trung chỉ đạo ứng phó bão; phân công các đồng chí trong đảng ủy, thường vụ đảng ủy xuống kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trọng điểm, ứng trực, chỉ đạo ứng phó tại cơ sở.
Thủ tướng yêu cầu cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế tối đa khả năng thiệt hại về người. “Dự báo nơi nào khả năng bão đi qua mà có khả năng trú không an toàn thì cần cương quyết di dời người dân đến nơi an toàn”- Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các ban, ngành địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Không được để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân nhưng cũng không được quá lo lắng, hốt hoảng, mất bình tĩnh.
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, cần thiết thì cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân. Không để người dân ở lại trên lồng bè, tàu thuyền, khu vực không an toàn, rất khó khăn khi ứng cứu trong lúc bão đổ bộ và nguy cơ cao thiệt hại.
Các địa phương, các lực lượng chức năng như công an, quân đội bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn để người dân yên tâm sơ tán, bố trí lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, chuẩn bị y tế cho người dân.
Rà soát tàu thuyền, liên hệ tới từng chủ tàu, không để tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn; rút kinh nghiệm từ ứng phó các cơn bão trước đây khi hàng trăm tàu thuyền hư hỏng do va chạm trong lúc neo đậu. Huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập. Bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, nhất là trên biển, trên sông và các khu vực bị cô lập, chia cắt.
Các bộ ngành triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, an toàn hồ đập, các công trình sản xuất, dịch vụ, dầu khí trên biển…
Thực hiện sơ tán hàng nghìn người dân đến nơi an toàn
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết địa phương sẵn sàng di dời hơn 53.000 người dân vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển và vùng nguy cơ sạt lở núi đến các nơi tập trung như: Trường học, các trụ sở cơ quan và khoảng hơn 8.000 người di dời ghép từ các nhà yếu, nhà không đảm bảo đến các nhà kiên cố để tránh bão số 4.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã yêu cầu các địa bàn phải hoàn thành di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn trước 10h ngày 27/9, địa điểm sơ tán dân phải đảm bảo lương thực, thực phẩm vệ sinh môi trường.
Báo cáo về công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, đến nay gần như toàn bộ diện tích lúa và 85% diện tích thủy sản đã được thu hoạch. Chỉ còn 3 tàu thuyền đang trong vùng nguy hiểm nhưng dự kiến trưa nay sẽ thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch sơ tán 182.000 người trong trường hợp bão mạnh, hơn 400.000 người trong trường hợp siêu bão.
Lãnh đạo huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết, lãnh đạo chính quyền địa phương xác định sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 4 nên đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Toàn huyện có trên 660 tàu thuyền các loại, hiện đã neo đậu an toàn. Với mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng người dân, huyện Triệu Phong cũng đã lên phương án di dời, tránh trú bão cho 1. 736 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu, thực hiện xong trước 12 giờ trưa 27/9. Huyện cũng đã cho học sinh nghỉ học.
Lãnh đạo thị trấn Đắk Tô, tỉnh Kon Tum cho biết, đã triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4 từ sớm, sáng 27/9 đã cho học sinh nghỉ học, di dời dân ở vùng có nguy cơ bị ngập lụt đến nơi trú tránh an toàn. Hiện đã cử các đoàn công tác xuống địa bàn nắm tình hình nhân dân và các kiểm tra các điểm xung yếu.
Chỉ đạo công tác ứng phó, ông Phạm Đức Luận, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai yêu cầu trong ngày 27/9 phải hoàn thành nhiều công việc.
Đó là, tiếp tục kêu gọi 18 tàu/164 người của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định khẩn trương thoát khỏi vùng nguy hiểm trước 12 giờ ngày 27/9 (nên di chuyển về phía Nam). Hoàn thành bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu; sơ tán người trên đảo và lồng bè, chòi canh trước 17 giờ ngày 27/9 và có phương án đảm bảo an toàn.
Ứng phó với bão số 4, BĐBP các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa đã điều 1.802 cán bộ, chiến sĩ với 31 phương tiện tham gia giúp di dời 2.285 hộ dân đến nơi sơ tán tránh trú; chằng chống 914 ngôi nhà, neo buộc 6.254 lồng bè, kéo 1.326 phương tiện nhỏ lên bờ an toàn.
Tính đến 10 giờ 30 trưa nay (27/9), còn 9 tàu/64 ngư dân còn nằm trong vùng ảnh hưởng của bão (Quảng Ngãi 6 tàu/44 ngư dân, Bình Định 3 tàu/20 ngư dân), đang di chuyển xuống phía Nam để thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão.