Thủ tướng: Huế không được bàn lùi về phát triển KTXH trong bối cảnh dịch bệnh
Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Thừa Thiên Huế rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên các lĩnh vực, để khắc phục nhanh chóng hậu quả ảnh hưởng dịch bệnh Corona nhằm hoàn thành toàn diện, vượt mức các nhiệm vụ năm 2020, nhất là tái cơ cấu, không vì dịch bệnh mà thoái chí, bàn lui.
Ngày 8/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ đã tiến hành làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh virus corona.
Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, bước sang năm 2020, tỉnh xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch 5 năm và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là xây dựng chương trình hành động triển khai các đề án theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Gợi mở thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Rất ít tỉnh có Nghị quyết của Bộ Chính trị, nên Huế cần làm tốt với các chủ trương và chương trình hành động cụ thể và các bộ, ngành cùng hỗ trợ. Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là nghị quyết đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế, chính vì thế mà cơ chế, mô hình, cách làm cũng phải đặc thù, không được áp dụng máy móc”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tập thể lãnh đạo, cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế
Thủ tướng đánh giá, Thừa Thiên Huế không những ổn định về kinh tế mà văn hóa còn được giữ gìn, nhất là các di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được trùng tu, tôn tạo và quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó là việc ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả công nghệ thông tin trên nhiều lĩnh vực, là tỉnh đi đầu trong quản lý hành chính, trong xây dựng chính phủ điện tử và đô thị thông minh, xử lý những vấn đề bức xúc của xã hội, quan tâm tốt hơn đến phục vụ người dân… Đây sẽ là nền tảng quan trọng để Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Thừa Thiên Huế rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên các lĩnh vực, để khắc phục nhanh chóng hậu quả ảnh hưởng dịch bệnh Corona nhằm hoàn thành toàn diện vượt mức các nhiệm vụ năm 2020, nhất là tái cơ cấu, không vì dịch bệnh mà thoái chí, bàn lui mà cần phải quyết tâm hơn để tăng thu, kể cả ngân sách, du lịch. Làm tốt công tác phòng ngừa, nên đến nay Huế vẫn giữ hoạt động bình thường, khách du lịch các nước, vùng không dịch bệnh vẫn đến đông, đây là điều đáng mừng, các địa phương khác cần học tập.
Cũng trong lần công tác này, Thủ tướng cũng đã đồng ý đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế; xây dựng bộ tiêu chí thực hiện thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế; đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương…