Thủ tướng Hun Sen bác tin cho Trung Quốc dùng căn cứ quân sự trong 30 năm
Thủ tướng Hun Sen bác bỏ thông tin Wall Street Journal đăng tải liên quan tới việc Campuchia ký thỏa thuận để Bắc Kinh sử dụng căn cứ quân sự trong 30 năm.
Ông Hun Sen gọi thông tin về "thỏa thuận ký kết vào mùa Xuân" mà tờ báo Mỹ nêu ra trong bài báo hôm 21/7 là "vô căn cứ".
"Đây là tin tức tồi tệ nhất từng có chống lại Campuchia. Đó là việc không thể xảy ra vì việc chấp thuận cho nước ngoài sử dụng căn cứ là trái với Hiến pháp Campuchia", nhà lãnh đạo Campuchia nói với tờ Fresh News hôm 22/7.
Trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng 11/2018, ông Hun Sen từng khẳng định sẽ không bao giờ cho phép nước ngoài hiện diện căn cứ quân sự tại nước này dù đó là lực lượng hải quân, bộ binh hay không quân.
Ông nêu rõ Campuchia không cần lực lượng nước ngoài chiến đấu trong lãnh thổ nước này như trước đây, và không cho phép Campuchia trở thành nơi thử nghiệm hệ tư tưởng hay vũ khí.
Tuyên bố này được cho là lời bác bỏ trước thông tin tờ Asia Times đăng tải về việc Bắc Kinh vận động hành lang Phnom Penh để thiết lập căn cứ hải quân ở Tây Nam Campuchia, có khả năng chứa các tàu chiến, tàu khu trục và các tàu khác của Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat cũng khẳng định thông tin WSJ đăng tải là "bịa đặt và vô căn cứ".
Trước đó, theo WSJ, Trung Quốc hồi đầu năm ký kết thỏa thuận bí mật độc quyền sử dụng căn cứ hải quân của Campuchia. Dự thảo ban đầu về thỏa thuận này được cho là cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở vịnh Thái Lan trong 30 năm và gia hạn 10 năm 1 lần.
WSJ cho biết Bắc Kinh sẽ sử dụng căn cứ ở Campchia như một căn cứ dàn quân cho hải quân chuyên dụng đầu tiên ở Đông Nam Á để bố trí binh sỹ, neo đậu tàu chiến cũng như cất trữ vũ khí tại đây. Tờ báo Mỹ nói thêm rằng các quan chức Mỹ đang thảo luận về việc liệu Washington có thể thuyết phục Phnom Penh đảo ngược quyết định hay không.
Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc rót hàng tỷ USD hỗ trợ phát triển và cho Phnom Penh vay thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như các dự án song phương khác. Hệ quả là các sòng bạc, đặc khu kinh tế mọc lên khắp nơi ở Campuchia.
Emily Zeeberg, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh nói với WSJ rằng Washington lo ngại bất cứ bước đi nào của chính phủ Campuchia liên quan tới việc để nước ngoài hiện diện quân sự tại quốc gia này sẽ làm xáo trộn ổn định trong khu vực.