Thủ tướng kêu gọi toàn dân chung sức, đồng lòng chống dịch

Sáng ngày 29-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trước những diễn biến mới đòi hỏi giải pháp tích cực hơn, toàn diện hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn theo tinh thần 'chống dịch như chống giặc'.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang tham dự hội nghị.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương báo cáo diễn biến dịch Covid-19 và nỗ lực phòng, chống dịch cũng như những thuận lợi, khó khăn của địa phương. Trong đó, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho thấy diễn biến dịch Covid-19 ở nước ta đang hết sức phức tạp. Đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái, đa chủng lây nhiễm. Vi rút lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1 - 2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, do đó điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tại Việt Nam, để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả các nguồn vắc xin phòng Covid-19 trên thế giới. Cho tới nay, Việt Nam đã có ký kết, cam kết hơn 100 triệu liều vắc xin để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, các ý kiến đã bám sát, nắm chắc tình hình và đề xuất các giải pháp hết sức thiết thực, có tính khả thi.

Về đặc điểm tình hình, Thủ tướng đánh giá, về tổng thể chúng ta đang kiểm soát được tình hình, nhưng cục bộ có một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, diễn biến càng ngày phức tạp hơn, khó kiểm soát như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh và một phần ở Hà Nội. Đặc điểm biến chủng vi rút lần này nguy hiểm hơn, phức tạp hơn, gây bệnh nặng hơn và khó kiểm soát hơn; dịch bệnh lây nhiễm từ cộng đồng sang khu công nghiệp (KCN) và từ KCN sang cộng đồng thông qua người lao động, thông qua công nhân; đặc biệt đã xuất hiện lây nhiễm trong các hoạt động đông người, hoạt động tôn giáo.

Về nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, có nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị khi chưa có dịch thì chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Một số địa phương, cơ quan đơn vị cũng không nắm chắc tình hình, không đánh giá đúng tình hình, không đưa ra được giải pháp phù hợp để giải quyết ngay từ đầu, từ sớm, từ xa. Một bộ phận nhân dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cộng với việc không thực hiện, thiếu nghiêm túc trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch, dẫn tới lây lan.

Về các giải pháp ngăn chặn, Thủ tướng nhấn mạnh: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp đã bám sát tình hình, kịp thời, quyết liệt, đúng hướng và đưa ra các giải pháp khả thi. Tổ chức thực hiện nói chung là toàn diện, tích cực, hiệu quả. Đồng thời, việc huy động các nguồn lực con người và vật chất đã được thực hiện rất bài bản và hiệu quả. Các bộ, ngành làm tốt việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, vướng mắc. Phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, lấy tấn công là chính, trong đó đã thực hiện rất quyết liệt và tích cực chiến lược vắc xin.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng, chống dịch vừa qua là phải nắm chắc tình hình, chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, hiệu quả. Đồng thời, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy định nhưng vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện cụ thể để huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Tập trung tháo gỡ kịp thời các vướng mắc.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các lực lượng tuyến đầu như Y tế, Quân đội, Công an, các địa phương có dịch, các đồng chí lãnh đạo “ngày đêm sớm tối”, cùng với các lực lượng chức năng và nhân dân vào cuộc đồng bộ đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể, các lực lượng chức năng phòng, chống dịch có hiệu quả.

Về nhiệm vụ, mục tiêu sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu đầu tiên là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trong lúc này là trên hết, trước hết. Thứ hai là kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, dập tắt dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các KCN. Thứ ba là tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm “an ninh, an dân, an toàn”. Thứ tư là phải kết thúc tốt đẹp năm học 2020 - 2021, đây là việc liên quan đến tương lai.

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, cùng với sự hợp tác của người dân để chỉ đạo tổ chức triển khai chống dịch nhanh chóng, hiệu quả.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202105/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ve-tinh-hinh-giai-phap-cap-bach-phong-chong-dich-covid-19-thu-tuong-keu-goi-toan-dan-chung-suc-dong-long-chong-dich-926324/