Thủ tướng: Khắc phục những hạn chế trong sử dụng đất đai

Nhiều nhiệm vụ cần ưu tiên giải quyết đối với tài nguyên, môi trường được Tổng bí thư và Thủ tướng Chính phủ nêu bật.

Sáng 5-8, Bộ TN&MT tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập bộ (5-8-2002 – 5-8-2022). Nhân dịp này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lẵng hoa và thư thăm hỏi, chúc mừng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các thế hệ ngành tài nguyên, môi trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Ứng phó kịp thời với thiên tai, dịch bệnh

Tổng bí thư lưu ý đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nghiêm trọng, mang tính thời đại như cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên.

Tổng bí thư mong muốn Bộ TN&MT ra sức phấn đấu, chủ động hơn nữa trong dự báo, tham mưu, triển khai các giải pháp để ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, lĩnh vực đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ cần nắm bắt kịp thời xu thế của thời đại, tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phấn đấu vươn lên, đóng góp thực chất và hiệu quả hơn nữa cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tham gia các sáng kiến toàn cầu, góp phần giải quyết thách thức về môi trường và khí hậu.

Khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên và kiên quyết, kiên trì không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

10 nhiệm vụ cho ngành tài nguyên, môi trường

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ của ngành tài nguyên, môi trường trong giai đoạn tiếp theo là hết sức nặng nề với nhiều bài toán hóc búa cần lời giải phù hợp, kịp thời, hiệu quả trên tinh thần khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên và kiên quyết, kiên trì không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Thủ tướng đề nghị toàn ngành tài nguyên, môi trường tập trung triển khai đồng bộ 10 nhiệm vụ, giải pháp.

Trước hết, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành đoàn kết, phối hợp chặt chẽ để phát huy sức mạnh và trí tuệ tập thể trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh và tầm nhìn dài hạn. Đẩy mạnh phân cấp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền. Vận hành bộ máy hành chính với phương châm sáng tạo, hành động, hiệu quả.

Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ TN&MT và cá nhân Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao các phần thưởng cao quý khác cho một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ TN&MT.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đảm bảo đồng bộ, minh bạch, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên cho phát triển và bảo vệ môi trường sống an toàn cho nhân dân. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế trong quản lý sử dụng đất đai, giải phóng, phát huy nguồn lực quan trọng này cho phát triển đất nước.

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, khắc phục các tồn tại, hạn chế, nhất là trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Có giải pháp ứng phó hiệu quả với nguy cơ suy giảm, suy thoái nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Nghiên cứu cơ chế chia sẻ và giải quyết tranh chấp, xung đột trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới, nhất là sông Me Kong và sông Hồng. Khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng biển, ven biển, thiết lập hệ thống quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế.

Triển khai đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống. Xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư; cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông... Phát triển các ngành công nghiệp môi trường, tái chế, tái sử dụng tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên. Cải tạo, phục hồi chất lượng các nguồn nước sông, hồ đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, khu dân cư.•

Năm 2025 hoàn thành cơ sở dữ liệu về đất đai

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch, chiến lược đảm bảo khả thi, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn để phân bổ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài nguyên. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số trên nền tảng dữ liệu lớn, trong đó chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia tập trung.

Hiện đại hóa hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết và giám sát biến đổi khí hậu. Thể chế hóa, lồng ghép yêu cầu giảm phát thải vào các quy hoạch, chiến lược, chuyển dịch mô hình phát triển nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050. Đẩy mạnh hợp tác hội nhập, thúc đẩy chuyển dịch mô hình phát triển.

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-khac-phuc-nhung-han-che-trong-su-dung-dat-dai-post692637.html