Thủ tướng: Khẩn trương trình phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình phương án cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng...

Đây là nội dung được nêu tại Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh… các dự án, công trình trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực rủi ro cao; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Chỉ thị nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thành phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, khẩn trương trình phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB.

Cũng trong chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; khẩn trương tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý II.

Mới đây, trả lời cử tri An Giang và Hà Nội về thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, căn cứ các quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các giải pháp để quản lý thị trường vàng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước triển khai các phiên đấu thầu bán vàng miếng và bán vàng miếng trực tiếp với khối lượng phù hợp; phối hợp các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật...

Đến nay, mức chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới đã bước đầu có sự thu hẹp.

Bất chấp giá vàng tăng cao, người dân mua vàng trước ngày vía Thần tài.

Bất chấp giá vàng tăng cao, người dân mua vàng trước ngày vía Thần tài.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, vàng tiêu thụ trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, do đó, giá vàng trong nước phụ thuộc vào diễn biến giá vàng thế giới. Thời gian gần đây, giá vàng thế giới liên tục biến động, chủ yếu theo xu hướng tăng, do căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh…

"Như vậy, giá vàng diễn biến tăng cả trên thế giới chứ không chỉ có ở Việt Nam và tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước can thiệp bán vàng trực tiếp thì giá vàng thế giới còn tăng nhanh hơn giá vàng miếng trong nước", Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Hiện, giá mua, bán vàng do các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng chủ động niêm yết. Thực tiễn trên thế giới, các ngân hàng trung ương cũng không quản lý giá vàng mà giá vàng do cung, cầu thị trường quyết định. Do đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện can thiệp, nhằm hướng tới sự ổn định của thị trường vàng, không can thiệp vào giá vàng trong nước.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá hiện vẫn còn có một số tồn tại như: chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tình hình can thiệp thời gian qua, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp.

Phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp, đồng bộ bình ổn thị trường vàng, tiếp tục xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, không để “vàng hóa” nền kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24 đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-tuong-khan-truong-trinh-phuong-an-co-cau-lai-ngan-hang-scb-post1714495.tpo