Thủ tướng khảo sát khu quy hoạch cảng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long
Chiều 27/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực tế khu quy hoạch cảng Trần Đề tỉnh Sóc Trăng và thị sát công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, tại xã Long Đức, huyện Long Phú.
Cảng Trần Đề là một trong các dự án tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm nằm trong danh mục các dự án sẽ kêu gọi đầu tư năm 2022.
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết khu bến Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng có diện tích khoảng 5.000 ha, bao gồm khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics với diện tích khoảng 4.000ha, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container có trọng tải từ 50.000-160.000 DWT.
Khu cảng ngoài khơi Trần Đề với diện tích 1.000 ha, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 160.000 DWT, công suất dự kiến khoảng 150 triệu tấn/năm.
Cảng có chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương, vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo; có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và năng lực của nhà đầu tư.
Khu bến Trần Đề có tiềm năng phát triển phía ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL).
Dự án cảng biển Trần Đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ kết nối trực tiếp với quốc lộ Nam Sông Hậu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trong tương lai, mà còn góp phần phát huy hiệu quả lợi thế đường thủy, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.
Theo nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt nhiệm vụ đến năm 2030 "hoàn chỉnh hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng".
Dự án cảng biển Trần Đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng toàn vùng ĐBSCL; có tính chất hỗ trợ thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển.
Tỉnh Sóc Trăng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển chung toàn quốc; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư (đặc biệt là thông qua Hội nghị xúc tiến thương mại tỉnh ngày 28/4) để kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng vào khu bến Trần Đề, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển theo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Cũng trong chiều 27/4, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thị sát công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, tại xã Long Đức, huyện Long Phú.
Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200 MW, được khởi công xây dựng tháng 9/2015. Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), Nhà máy sẽ vận hành thương mại tổ máy 1 năm 2018, tổ máy 2 năm 2019. Nhưng thực tế đến nay không xác định được tiến độ cụ thể do tổng thầu nước ngoài gặp các khó khăn do chịu tác động từ tình hình thế giới.
Thị sát tại công trường, Thủ tướng bước đầu tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc tại dự án. Trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và động viên đội ngũ cán bộ, công nhân, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường trong khắc phục các khó khăn, vướng mắc, tìm ra hướng xử lý với dự án trong thời gian tới.