Thủ tướng: Không để người dân ở nơi giãn cách thiếu ăn, thiếu mặc
Với các địa phương đang giãn cách xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh phải tranh thủ khoảng thời gian vàng để thực hiện nghiêm, thực chất quy định, kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất.
Chiều 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc phòng, chống dịch Covid-19.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho biết kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát (ngày 27/4) đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế - xã hội; tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thống nhất phân công Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.
Cùng ngày, người đứng đầu Chính phủ ký quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch với nhiều thay đổi về nhân sự.
Muốn hạn chế lây nhiễm, phải đảm bảo an sinh xã hội
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo bắt tay ngay vào nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng nhân dân đẩy lùi dịch bệnh.
Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương khi giãn cách xã hội phải tranh thủ khoảng thời gian vàng để thực hiện nghiêm, thực chất các quy định, kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất, không để lây lan, không để chặt ngoài, lỏng trong. Đây là yếu tố quyết định để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.
Muốn làm được điều này phải bảo đảm an sinh xã hội tốt, bảo đảm người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, bảo đảm người dân được tiếp cận y tế một cách nhanh nhất.
Theo người đứng đầu Chính phủ, với tinh thần lấy xã, phường là pháo đài chống dịch, vừa qua chúng ta đã tăng cường, bổ sung khoảng 400 trạm y tế và nhân lực, vật lực trang thiết bị y tế ở các xã, phường, thị trấn. Nhờ đó, người dân được tiếp cận sớm, nhanh, chăm sóc và phân loại điều trị ngay tại xã, phường, góp phần giảm tải cho tuyến trên.
Liên quan tới vấn đề xét nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh việc thần tốc xét nghiệm diện rộng với TP.HCM phải xét nghiệm toàn thành phố nhưng đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả, xét nghiệm cho nhóm ưu tiên trước như người trên 50 tuổi. Đây là cách để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị hiệu quả người mắc Covid-19.
Nhắc đến vấn đề vaccine, người đứng đầu Chính phủ khẳng định việc ngoại giao vaccine được thực hiện liên tục. Tiếp Đại sứ Trung Quốc và Phó tổng thống Mỹ trong 2 ngày 24 và 25/8, Thủ tướng đều nhấn mạnh vấn đề vaccine. Ông cũng đã điện đàm trực tiếp với Chủ tịch của 2 tập đoàn lớn là AstraZeneca và Pfizer về vấn đề này.
Ngoài ra, theo người đứng đầu Chính phủ, một biện pháp khác là phải bảo đảm an dân, an ninh trật tự an toàn xã hội.
“Vừa qua khi chúng ta tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc này người dân cảm thấy an toàn, thấy được đảm bảo về an ninh trật tự rồi đáp ứng các yêu cầu về y tế, đáp ứng yêu cầu về an sinh xã hội”, Thủ tướng đánh giá.
Trung ương không làm thay địa phương
Nhấn mạnh chống dịch theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, cả hệ thống chính trị vào cuộc và có sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân, Thủ tướng nhắc lại tinh thần người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch; sự tham gia, chấp hành quy định của người dân đóng vai trò quyết định.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch nhưng cũng không quên các nhiệm vụ khác như bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia, xây dựng Đảng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ lưu ý quan điểm của Đảng, Nhà nước là bảo đảm an toàn cho cả công dân nước ngoài ở Việt Nam, không phân biệt người trong nước và người nước ngoài.
Trong chống dịch, Thủ tướng quán triệt việc phối hợp giữa các lực lượng phải nhịp nhàng, hiệu quả, các bộ ngành, lực lượng tăng cường ở Trung ương không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương mà chỉ hỗ trợ những gì địa phương không làm được.