Thủ tướng: Kinh tế đất nước phục hồi tích cực
Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, sáng 20-10, cùng với việc phân tích các khó khăn, hạn chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023.
Kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn nhiều hạn chế
Theo báo cáo của Thủ tướng, tình hình phát triển KTXH đất nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn do tình hình thế giới biến động, phức tạp, chưa có tiền lệ. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết, trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, KTXH trong chín tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, thông qua chương trình phục hồi, phát triển KTXH và ba chương trình mục tiêu quốc gia đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia trong chín tháng.
Thủ tướng dẫn chứng, cả nước đã cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc. Trong đó đã đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km. Chính phủ phấn đấu trong tháng 12-2022, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cùng từ các chương trình phục hồi, trong chín tháng có hơn 163.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, các công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật, phát triển văn hóa, quy hoạch, xây dựng, chăm lo an sinh xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng,
“Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả” - Thủ tướng dẫn lời phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để đánh giá chung về tình hình KTXH chín tháng vừa qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và các khó khăn trên nhiều lĩnh vực trong chín tháng qua. Cụ thể, việc ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh.
Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm.
Trong các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng…
12 giải pháp trọng tâm phát triển KTXH
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ra giải pháp phát triển KTXH cho những tháng cuối năm và cũng như cho năm 2023. Trong đó, Chính phủ đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%...
Để thực hiện các chỉ tiêu đề ra, Chính phủ đã đưa ra 12 giải pháp để phát triển mọi mặt KTXH trong thời gian tới. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng được Chính phủ xác định là phải tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, trong nước, kịp thời cảnh báo rủi ro, có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tăng cường phân tích, dự báo, chủ động các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó với mọi tình huống. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Chính phủ sẽ điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp. Qua đó, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Tập trung tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, ba chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, Chính phủ tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội. Trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc đã có chủ trương đầu tư, một số dự án đường sắt đô thị, nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay…
Những con số tích cực trong chín tháng của năm 2022
Chỉ số giá tiêu dùng CPI cả nước chín tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 11%, tăng trưởng GDP đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 - 6,5%).
Thu ngân sách nhà nước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ. Ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%...
Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-kinh-te-dat-nuoc-phuc-hoi-tich-cuc-post704100.html