Thủ tướng làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng
Chiều 25/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng - địa phương gặp nhiều khó khăn do xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc trực tuyến. Ảnh: TTXVN
Sóc Trăng có vị trí quan trọng trong vùng duyên hải phía đông Đồng bằng Sông Cửu Long. Với 72 km đường bờ biển, 2 con sông chính là sông Hậu và sông Mỹ Thanh, tỉnh có nhiều ưu thế phát triển giao thông đường thủy, vận tải biển và logistics. Năm 2019, tỉnh đạt và vượt cả 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tăng trưởng kinh tế đạt 7,3%, cao nhất kể từ năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm.
Trong quý I năm 2020, sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ của tỉnh Sóc Trăng đều có bước tăng trưởng khá so với bình quân chung cả nước với giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,1% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,21%; xuất khẩu tăng hơn 12%.
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biển đổi khí hâu, hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động các biện pháp phòng chống nên giảm thiểu tối đa thiệt hại. Trong quý I/2020, tỉnh đã thu hoạch hơn 161.000 ha lúa, tăng gần 25% do chủ động xuống giống sớm, tránh được khô hạn và xâm nhập mặn. Năng suất lúa bình quân 6,32 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn. Sóc Trăng là 1 trong 5 tỉnh có năng suất lúa cao nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, có giống gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới.
Tỉnh cũng tích cực phòng chống dịch COVID-19, đã thành lập 23 đội phản ứng nhanh. Tính đến ngày 23/3, tổng số trường hợp cách ly tập trung là 707 người, đến nay, chưa ghi nhận ca dương tính với COVID-19.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Sóc Trăng trong việc thực hiện phòng chống dịch COVID-19. Công tác chỉ đạo xử lý vấn đề xâm nhập mặn của Sóc Trăng đạt kết quả tốt, như bố trí lại lịch thời vụ, chuyển cơ cấu cây trồng. Do đó, là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, Sóc Trăng chịu ít thiệt hại hơn, đây là bài học chung cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long...
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, Sóc Trăng còn một số tồn tại, bất cập, nhất là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công thấp, trong 2 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư công mới giải ngân được gần 9%. Nhân dịp này, Thủ tướng cho biết, sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc để kiểm điểm 4 việc là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc, dừng sản xuất do dịch bệnh và bảo đảm an ninh trật tự.
Dẫn lại nhận định của một số tổ chức quốc tế cho rằng kinh tế thế giới năm nay sẽ sụt giảm, suy thoái nặng nề hay thông tin Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế 2.000 tỷ USD, Thủ tướng cho biết, nguồn lực của chúng ta còn hạn chế nên phải làm thế nào để giữ được tốc độ tăng trưởng. Muốn vậy, các tỉnh cũng phải “tay nắm tay” để chống sụt giảm, thúc đẩy tăng trưởng.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần dành nguồn lực cho hai công việc: Chống dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu, để làm sao thực hiện “mục tiêu kép”.
Theo Thủ tướng, chống dịch COVID-19 là quan trọng hàng đầu, tiếp theo là giữ gìn phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cần tập trung phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu đến năm 2025, Sóc Trăng phải là một tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tập trung khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2021, số doanh nghiệp trên địa bàn tăng gấp 3 lần, từ 2.829 doanh nghiệp hiện nay lên khoảng 8.000 doanh nghiệp.
Tại cuộc làm việc trực tuyến, Thủ tướng tiếp tục cho ý kiến, giải quyết kiến nghị cụ thể của Sóc Trăng với tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển.