Thủ tướng làm việc với các tỉnh ĐBSCL về hạn hán, xâm nhập mặn

Thủ tướng chỉ đạo các đại biểu thảo luận các biện pháp căn cơ, lâu dài, đề ra kế hoạch cho 5 năm tới, trước mắt là vấn đề nước sinh hoạt cho dân

Chiều nay, 8/3, tại tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về hạn hán và mặn xâm nhập.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, hiện trong nước đang xuất hiện một số ca dương tính với Sars-Covid-2 khiến một số người dân hoang mang, mua hàng hóa dự trữ, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty cung cấp đủ hàng hóa, vật tư, lương thực, thực phẩm ở các Thành phố lớn, các tỉnh thành cả nước một cách dư dả, kịp thời, không để thiếu thốn bất kỳ hàng hóa nào ảnh hưởng đến người dân.

Thủ tướng làm việc với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng làm việc với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Đối với tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập ở đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng cho biết, với chiến lược phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu (được nêu trong Nghị quyết 120), tháng 9/2019, Chính phủ đã có hội nghị quan trọng ở Tiền Giang để phổ biến tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ứng phó với tình hình hạn, mặn nặng nề nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

Chính vì thế, chúng ta hạn chế tối đa thiệt hại, chỉ đạo vụ đông xuân cấy sớm hơn một tháng và đặc biệt là đã chuyển cơ cấu cây trồng, nhất là cây lúa ở những vùng có khả năng nhiễm mặn xảy ra.

Do đó, riêng lúa năm nay chỉ thiệt hại 9,6% so với năm 2016. Đây là thành công rất quan trọng được tỉnh ủy, UBND và nhân dân các vùng đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận.

Tuy vậy, theo Thủ tướng, hạn mặn năm nay lịch sử, gay gắt hơn năm 2016, do đó, thiệt hại cho nhân dân các tỉnh vẫn lớn. Tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt, nước sản xuất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Dù trung ương cảnh báo, địa phương chủ động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều biện pháp chỉ đạo, nhưng vùng vẫn bị thiệt hại.

Tại hội nghị này, Thủ tướng chỉ đạo các đại biểu thảo luận các biện pháp căn cơ, lâu dài, đề ra kế hoạch cho 5 năm tới. Nhưng trước hết, cần giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt, đảm bảo tiêu chuẩn cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó là có giải pháp hạn chế thấp nhất về kinh tế xã hội ở khu vực.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019-2020, trên lưu vực sông Mê Công có ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2020 và liên tục tăng cao cho đến nay, hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ). Ví dụ như với tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn bao phủ toàn bộ phạm vi của địa phương, trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại buổi làm việc, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường. Do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4/2020.

Về tác động đối với sản xuất, trong tổng số 1,54 triệu ha lúa Đông Xuân đã xuống giống thì hiện đã thu hoạch khoảng 1 triệu ha. Với thiệt hại đến nay khoảng 39.000 ha thì tổng thiệt hại chỉ chiếm 9,6% so với diện tích bị ảnh hưởng của năm 2015-2016. Đối với nước sinh hoạt, hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt, thấp hơn mức tổng số hộ dân bị gặp khó khăn năm 2015-2016 là 210.000 hộ./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-lam-viec-voi-cac-tinh-dbscl-ve-han-han-xam-nhap-man-1019202.vov