Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Cần Thơ, gỡ vướng cho các dự án lớn
Chiều 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ để đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; các tồn tại, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển địa phương.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp, trả lời các đề xuất, kiến nghị của Cần Thơ liên quan tới chính sách thuế, chính sách; quy định về đất đai; tháo gỡ vướng mắc cho dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ; 8 dự án sử dụng vốn đầu tư công do vướng mắc liên quan đến thủ tục bàn giao đất quốc phòng, an ninh nên bị chậm tiến độ...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ ngành liên quan để xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc.
Về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, đây là dự án chiến lược, quan trọng, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, nhưng đã qua nhiều năm chưa được triển khai.
Thủ tướng giao TP Cần Thơ là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư, Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ kỹ thuật, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ đánh giá tác động môi trường và hỗ trợ xử lý các tác động nếu có.
Thủ tướng đồng ý chủ trương sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý.
Về dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sử dụng vốn ODA của Hungary, hiện chậm tiến độ nhiều năm, Thủ tướng yêu cầu thành lập Tổ công tác gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP Cần Thơ khẩn trương đàm phán với phía Hungary để ký lại hiệp định về dự án, giải quyết vướng mắc về tỷ lệ xuất xứ Hungary với trang thiết bị bệnh viện để tiếp tục triển khai; giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo, giải quyết trong quý 3/2023.
Về các dự án sử dụng vốn đầu tư công vướng mắc liên quan đến thủ tục bàn giao đất quốc phòng, an ninh, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xử lý, đồng thời sửa đổi Nghị định 167 về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; tinh thần là tăng cường phân cấp cho các địa phương, cơ quan; yêu cầu hoàn thành trong quý 3/2023.
Về các đề xuất liên quan tới pháp luật đất đai, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nhiều nội dung kiến nghị của Cần Thơ đã được xem xét, tổng hợp trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai; Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu khi tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính… khẩn trương sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền và đề xuất sửa đổi các quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Giao Bộ Công Thương cùng các tỉnh ĐBSCL triển khai các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định FTA, nhất là các thị trường thực phẩm Halal.
Bộ Công Thương trình sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, hoàn thành trong quý 2/2023 và Nghị định về quản lý chợ trong quý 3/2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn.