Thủ tướng lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025.
Chiều 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra từ 4 - 8/7 theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Brazil - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đoàn đại biểu tháp tùng Thủ tướng và Phu nhân có: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh; Phó Tổng Thanh tra Thường trực Thanh tra Chính phủ Trần Đức Thắng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Hồng Thái; Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Hồng Đức; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long; Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự với tư cách nước đối tác tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS - cơ chế hợp tác đa phương giữa các nền kinh tế mới nổi và ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn cả về kinh tế và chính trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Brazil - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay với chủ đề "Tăng cường hợp tác phương Nam nhằm thúc đẩy quản trị bao trùm và bền vững hơn", là một trong những sự kiện đa phương quan trọng, có sự tham dự của khoảng 20 lãnh đạo cấp cao các nước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế.
Chuyến công tác này của Thủ tướng cũng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Brazil. Đây sẽ là cơ hội để hai nhà lãnh đạo trao đổi các định hướng lớn nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thực hiện hiệu quả chủ trương đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhận định, chuyến công tác của Thủ tướng sẽ là một "cầu nối" đối ngoại quan trọng nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với Brazil cũng như nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam ở khu vực Trung và Nam Mỹ.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy đa dạng hóa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các khu vực có nhiều tiềm năng, thu hút tối đa các nguồn lực quốc tế phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tiễn Thủ tướng cùng Đoàn tại sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các quốc gia thành viên BRICS, các quốc gia khách mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS là những quốc gia có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống của Việt Nam; Brazil là nước có quan hệ Đối tác Chiến lược, có những thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu bổ trợ, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, Brazil từ lâu đã là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1989, kim ngạch thương mại song phương đã không ngừng gia tăng, đạt được nhiều dấu mốc quan trọng.Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt mức kỷ lục 7,97 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,6 tỷ USD, tăng 6,7%; nhập khẩu từ Brazil đạt 5,37 tỷ USD, tăng 15%. Trong 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,33 tỷ USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,11 tỷ USD, giảm 2,2%; nhập khẩu đạt 2,2 tỷ USD, giảm 6,3%.Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Brazil gồm thủy sản, cao su, dệt may, giày dép, sắt thép. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính từ Brazil bao gồm đậu tương, lúa mỳ, ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu, bông các loại…