Thủ tướng lưu ý 4 vấn đề trong chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam
Thủ tướng lưu ý 4 vấn đề khi giao Bộ GTVT chuẩn bị báo cáo trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27KL/TW về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Chiều nay, 28/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đường sắt là một trong những ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần ưu tiên phát triển nhanh, đi thẳng vào hiện đại, bền vững. Giai đoạn đến 2030, tiếp tục nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có (trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam); đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... Nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến nối với các cảng biển, khu công nghiệp, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; hiện đại hóa mạng lưới tuyến đường sắt hiện có đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách địa phương; hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển.
Bộ GTVT đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết riêng về định hướng phát triển đường sắt. Trong đó, tiếp tục nhất quán quan điểm phát triển đã nêu tại Kết luận số 27 để định hướng Chính phủ triển khai thực hiện.
Các ý kiến tại cuộc họp đều cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo do Bộ Giao thông vận tải xây dựng, qua 10 năm, việc phát triển đường sắt đạt một số kết quả nhất định. Sản lượng vận tải có tăng trưởng. Tuy nhiên, việc đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho loại hình giao thông này chưa nhiều. Công nghiệp đường sắt chưa đáp ứng nhu cầu sửa chữa đường sắt hiện có và các dự án mới trong tương lai. Vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài, nên không có nhiều lợi thế thương mại so với đầu tư các lĩnh vực khác và cần có sự hỗ trợ rất lớn từ nhà nước. Các ý kiến nhất trí việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển đường sắt.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực hiện Kết luận 27 của Bộ Chính trị, đến nay, hệ thống đường sắt Việt Nam đã có sự chuyển mình tốt. Trong đó hệ thống đường sắt đô thị được quan tâm đầu tư. Một số tuyến đường sắt đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sắp đi vào hoạt động. Hệ thống đường sắt Bắc-Nam được duy tu, bão dưỡng, cải tạo, đáp ứng một phần nhu cầu vận tải.
Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, hệ thống đường sắt của Việt Nam nhìn chung rất lạc hậu, cần phải được cải tạo, xây dựng mới để phục vụ phát triển đất nước theo Kết luận 27 của Bộ Chính trị. Do đó, hệ thống đường sắt hiện có phải được cải tạo, nâng cấp như hệ thống Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Thứ hai là hệ thống đường sắt đô thị tiếp tục phải thực hiện theo quy hoạch, trước hết là hai đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, để giải quyết ùn tắc giao thông. Cùng với đó là nghiên cứu định hướng phát triển hệ thống đường sắt nối Tây Nguyên với miền Trung và Thành phố Hồ Chí Minh, nối Thành phố Hồ Chí Minh với miền Tây Nam bộ.
Thủ tướng cho biết, với mật độ dân cư khu vực miền Tây khoảng gần 20 triệu dân thì lưu lượng hàng hóa vận chuyển rất lớn, không chỉ phụ thuộc vào đường bộ. Do đó, không gian mở rộng hệ thống đường sắt Việt Nam là rất lớn.
Thủ tướng nêu rõ, với đất nước có chiều dài trên 3.000km, việc phát triển hệ thống đường sắt nước ta, trong đó đặc biệt là hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là rất cần thiết. Do đó, các đánh giá tiền khả thi đối với hướng đi này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Bộ Chính trị và Quốc hội.
Giao Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị các báo cáo này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc xây dựng chiến lược, các báo cáo phải lưu ý một số vấn đề:
Thứ nhất về vấn đề công nghệ, chọn công nghệ nào phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam. Metro thì theo hướng nào, đường sắt Bắc – Nam thì chọn hướng nào? Nếu tư duy cũ, không có tư duy mới trong việc này thì rất khó.
Thứ hai là suất đầu tư, cần đưa ra phương án so sánh để hội đồng thẩm định lựa chọn.
Thứ ba là nguồn lực nào để đầu tư?. Một mặt giảm đầu tư công đảm bảo an toàn quốc gia, nhưng mặt khác phải tìm nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước.
Đồng ý một số hình thức đầu tư như ngân sách nhà nước, PPP, Thủ tướng cho rằng nên chọn hướng đầu tư ưu tiên là PPP tốt nhất. Theo đó phải hoàn thiện thể chế về PPP để thu hút đầu tư. Phải dự kiến được thời gian đầu tư.
Thứ tư là chuẩn bị mặt bằng, đất đai cho thực hiện các dự án này một cách chủ động chứ không phải “nóng đâu phủi đó”. Đó mới là bước đi tiết kiệm nhất.
Song song phát triển hệ thống đường sắt trong nước, Thủ tướng cũng lưu ý phải chuẩn bị kết nối với hệ thống đường sắt quốc tế để mở rộng không gian phát triển.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện chiến lược cùng quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tinh thần lớn là cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt, đưa ra phương án khả thi, cụ thể, đặc biệt là hệ thống đường sắt cao tốc Bắc-Nam được coi là xương sống của chiến lược, cùng với các nhánh đường sắt liên vùng, liên tỉnh khác.
Cùng với đó, phải đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện để phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ được giao phải thể hiện quyết tâm cao, phải biết “nóng ruột” để thúc đẩy cuộc cách mạng về đường sắt Việt Nam.