Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel nhập viện vì mắc COVID-19
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel mắc COVID-19. Nguồn: AP
* Một số bang tại Mỹ gia tăng các ca nhiễm mới
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel bị mắc COVID-19 và đang trong tình trạng "nghiêm trọng nhưng vẫn ổn định", hiện ông đang được theo dõi tại bệnh viện.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Luxembourg hôm 5/7 cho biết Thủ tướng Xavier Bettel hôm 4/7 đến bệnh viện để kiểm tra bổ sung do những triệu chứng nhức đầu, ho, sốt vẫn dai dẳng trong suốt 1 tuần trước đó.
Trong thông cáo, Bộ Ngoại giao Luxembourg nhấn mạnh do các triệu chứng của COVID-19 không thuyên giảm nên Thủ tướng Xavier Bettel phải nhập viện để theo dõi y tế. Tình trạng hiện tại của Thủ tướng được coi là nghiêm trọng, nhưng ổn định nhưng ông vẫn phải ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi từ 2-4 ngày.
Để đảm bảo hoạt động của chính phủ, Bộ trưởng Tài chính, Pierre Gramegna, được chỉ định ký các văn bản thay Thủ tướng. Trong khi đó, ông Xavier Bettel vẫn thực hiện các chức năng của người đứng đầu chính phủ một cách bình thường.
Thủ tướng Xavier Bettel đã tiêm mũi vắcxin AstraZeneca đầu tiên vào ngày 6/5 và vẫn chưa tiêm mũi vắcxin thứ 2. Ngày 27/6, ông Xavier Bettel bắt đầu thời gian cách ly 10 ngày sau khi dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở Brussels.
Người đứng đầu chính phủ Luxembourg sau đó xuất hiện các triệu chứng nhẹ như sốt, nhức đầu. Không có bất cứ trường hợp tiếp xúc có nguy cơ cao nào được thi nhận, đồng thời Thủ tướng luôn tuân thủ các nguyên tắc về giữ khoảng cách trong giao tiếp và đeo khẩu trang.
Tại Mỹ, các trường hợp nhiễm mới COVID-19 đã gia tăng khi biến thể Delta lan rộng, nhất là tại các bang có tỉ lệ người dân tiêm chủng vắcxin phòng bệnh thấp. Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, tất cả 50 bang và thủ đô Washington D.C. đã báo cáo các trường hợp dương tính với biến thể Delta, được cho là có khả năng lây truyền cao hơn các chủng khác.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết dù các chuyên gia nhấn mạnh vắcxin là biện pháp bảo vệ tốt nhất và cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại biến thể, nhưng tại một số bang, tỉ lệ người dân tiêm chủng vắcxin phòng bệnh vẫn ở mức thấp.
Kỳ nghỉ lễ Độc lập cuối tuần vừa qua làm nổi bật sự khác biệt giữa một số khu vực chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm mới COVID-19 và những khu vực khác tổ chức các cuộc gặp mặt đông người do người dân tiêm vắcxin.
Ở các khu vực ở miền nam, tây nam và một phần của trung tây đang bắt đầu chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca nhiễm mới COVID-19. Đặc biệt là bang Florida - chiếm khoảng 17% tổng số ca mắc mới ở Mỹ.
Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, Tiến sĩ Anthony Fauci, đã nêu bật tầm quan trọng của việc tiêm vắcxin và nhấn mạnh tới kết quả rõ rệt là hơn 99% trường hợp tử vong do COVID-19 ở Mỹ là những người không được tiêm chủng.
Trong khi đó, điều phối viên phản ứng với COVID-19 của Nhà Trắng Jeffrey Zient khẳng định sự cần thiết của việc tiêm chủng nhằm bảo vệ sức khỏe cũng như những nỗ lực của Chính phủ Mỹ thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng hiện nay.
Theo CDC Mỹ, trong khi một số bang như Vermont, Connecticut, Massachusetts và Maine đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 60% tổng dân số, một số bang khác đang bị tụt lại khá xa về tỉ lệ tiêm chủng, trong đó Alabama, Arkansas, Louisiana và Mississippi hiện có chỉ chưa quá 35,3%. Giám đốc CDC Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết hiện có khoảng 1.000 quận ở Mỹ có tỉ lệ tiêm chủng dưới 30%, với phần lớn các cộng đồng ở khu vực đông nam và trung tây của Mỹ.
Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, ngày 5/7, công ty dược phẩm Mexico (BIRMEX) thông báo đã sản xuất thử nghiệm lô vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik-V của Nga, nhằm đánh giá độ an toàn và chất lượng tiến tới việc sản xuất đại trà vào cuối tháng 7 này theo kế hoạch đề ra.
Trước đó, ngày 27/6, BIRMEX đã ký một thỏa thuận với Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) về các công đoạn sản xuất cuối cùng, gồm dán nhãn và đóng lọ vắcxin Sputnik-V tại Mexico.
Hiện tại, Mexico đã tiếp nhận những lô nguyên liệu đầu tiên của vắcxin Sputnik-V. Ngoài việc hợp tác sản xuất, Mexico đã ký một thỏa thuận mua 24 triệu liều vắcxin Sputnik-V và đã nhận được 4,1 triệu liều.
Mexico đang đẩy nhanh các hợp đồng mua vắcxin với nhiều hãng dược phẩm trên thế giới đã được ký kết nhằm đảm bảo tiến độ tiêm chủng. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã tiêm 47,2 triệu liều vắcxin. Mexico đã ghi nhận trên 2,54 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 234.000 ca tử vong.
Trong khi đó, theo tờ Sabah Daily ngày 5/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 cho loại vắcxin được nghiên cứu phát triển ở trong nước. Tại giai đoạn này, vắcxin sẽ được sử dụng trên 330 tình nguyện viên ở độ tuổi 18-59 không có bệnh mãn tính nguy hiểm. Dự kiến, số tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn thứ 3 sẽ được tăng lên 15.000 người.
Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ đưa loại vắcxin nội địa này vào sử dụng từ mùa thu năm nay. Hồi tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiêm vắcxin COVID-19 liều thứ 3 cho đội ngũ nhân viên y tế và người dân từ 50 tuổi trở lên. Đến nay, nước này đã tiêm được ít nhất một liều vắcxin COVID-19 cho 53,6 triệu người trong tổng số dân 83 triệu người.